Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh viện từng tiếp nhận một số bệnh nhân bị viêm màng não mủ do liên cầu khuẩn lợn và một bệnh nhân bị viêm mô mềm cánh tay và vai, viêm màng não.
Có một bệnh nhân tâm sự là người nhà đi cúng mất khoảng gần 40 triệu đồng, trong khi đó, cả liệu trình điều trị khoảng 2 tuần tại bệnh viện chỉ hết khoảng 10 triệu đồng.
Đây là một trong nhiều trường hợp người nhà sẵn sàng chi rất nhiều cho việc cúng bái, thậm chí nhiều hơn cả chi phí điều trị’.
Cũng theo bác sĩ Cấp, thông thường khi bệnh nhân có bệnh nặng thì chính người bệnh và người nhà người bệnh luôn có suy nghĩ là có bệnh thì vái tứ phương, vậy nên ngoài việc đi chữa trị tại bệnh viện thì cũng có người đi xem bói.
Có trường hợp người thầy bói đó vẫn khuyên người bệnh tiếp tục điều trị tại viện, nhưng có trường hợp thầy bói nói rằng phải đưa bệnh nhân về nhà để cúng, hoặc là không phải dùng thuốc tây. Do vậy mà có rất nhiều trường hợp xảy ra khá đáng tiếc.
Đặc biệt, bác sĩ Cấp nhớ lại trường hợp chị M. 33 tuổi ở Thái Bình bị viêm mô mềm cánh tay và vai, viêm màng não, loạn thần nói nhảm.
Trong lúc chị M. đang điều trị ổn định thì gia đình nằng nặc xin về vì thầy bói bảo ở bệnh viện sẽ không khỏi, cứ nghe thầy, đưa về nhà cúng sẽ khỏi.
Sau 4 ngày, chị M. lại quay vào viện trong tình trạng vùng viêm ở cánh tay lan hết lên ngực, nhiễm trùng máu, sốc không hồi phục và sau đó tử vong.
Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp từng có tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, và mặc dù các bác sĩ đã cố gắng điều trị cho bệnh nhân thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp người nhà chủ động xin về vì tin lời thầy cúng.
Dù rằng trong việc điều trị bệnh, tinh thần của bệnh nhân rất quan trọng, nó chiếm phần không nhỏ trong sự thành công của việc điều trị bệnh, tuy nhiên với những người có niềm tin mù quáng thì đây lại là cách từ bỏ cuộc đời nhanh nhất.
‘Tinh thần trong việc điều trị thì rất quan trọng và nhìn chung tín ngưỡng của người bệnh thì nhân viên bệnh viện của chúng tôi rất tôn trọng.
Nhưng thường đối với những tín ngưỡng thực sự thì những thầy tu họ hay khuyên bệnh nhân tiếp tục điều trị. Họ chỉ chăm sóc phần hồn của bệnh nhân còn phần xác thì được bác sĩ chăm sóc.
Ngược lại đối với những thầy mo, thầy bói, những người hành nghề mê tín dị đoan thì mới khuyên người bệnh bỏ điều trị, hoặc khuyên người ta cũng bái thì điều đó mới ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng điều trị của người bệnh’, bác sĩ Cấp chia sẻ.
Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc, bác sĩ Cấp khuyến cáo người dân: ‘Về mặt tôn giáo tín ngưỡng chính thống mà chân chính thì không bao giờ họ khuyên những điều vô ích như vậy.
Họ có thể chăm sóc phần tinh thần của bệnh nhân tốt lên và họ cũng tôn trọng việc các thầy thuốc chăm sóc phần thể xác của người bệnh.
Còn lại những trường hợp mê tín dị đoan, 1 là trục lợi 2 là vì sự ngu muội có thể gây hại cho bệnh nhân. Tôi nghĩ người bệnh đặt niềm tin vào đâu phải có hiểu biết không nên quá mù quáng’.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Tin thầy cúng, bệnh nhân đòi đưa về nhà chữa, quay lại bệnh viện thì đã muộn tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].