Vào năm 2011, khi bà Nancy Ballard (66 tuổi) đến gặp bác sỹ Hufford để khám tổng thể, có cô y tá nhìn thấy bức tranh bà ôm trên tay và trầm trồ khen ngợi.
Y tá đó tâm sự với bà: ‘Nếu các phòng hóa trị mà treo những bức tranh này thì tốt biết mấy’.
Bà Nancy chưa từng biết đến những căn phòng như vậy nên rất tò mò và ngỏ ý muốn đi tham quan.
Khi đến nơi, trái tim bà chùng xuống: những bức tường trắng phớ, trống huếch trống hoác không có lấy một bức tranh nào, chưa kể những chiếc đinh gắn tường nhô ra – hẳn người ta đã từng treo gì đó nhưng lại gỡ xuống.
‘Chắc chẳng ai muốn khỏe lại sau khi vào một căn phòng như thế’ – bà nghĩ thầm và đó là lúc bà tin rằng mình có nhiệm vụ ‘cải tổ’ những căn phòng này.
Bà bắt tay ngay lập tức bằng việc viết email cho 20 nhà thiết kế địa phương, những người bà cho rằng sẽ phù hợp với dự án này.
‘Tôi nói với họ rằng tôi làm việc này phi lợi nhuận vì tôi thấy đau lòng khi nhìn những căn phòng đó. Sau đó tôi hỏi xem liệu họ có sẵn sàng dành thời gian, tài năng và tiền bạc để trang trí từng phòng không’ – bà Nancy kể.
Sáu người phụ nữ trả lời ngay lập tức – họ đều là những người từng bị ung thư, từng điều trị trong những căn phòng mà bà Nancy mô tả và cảm ơn bà đã cho họ cơ hội tạo nên sự khác biệt.
Sau một năm rưỡi, nhóm của bà Nancy đã cải tạo xong các phòng bệnh ở phòng khám Hufford & Knopf của bác sỹ Hufford.
Một tháng sau khi các căn phòng được hoàn thành, bác sỹ Hufford cũng qua đời vì bệnh ung thư. Trước khi mất, ông không quên bày tỏ lòng biết ơn với món quà của những nhà thiết kế.
Ông cho biết, các bệnh nhân đều cảm thấy hạnh phúc hơn mỗi lần chữa bệnh. Thậm chí, tâm trạng của bác sỹ cũng vui vẻ hơn và ông giao tiếp với bệnh nhân hiệu quả hơn.
Chẳng mấy chốc, bệnh nhân bắt đầu gửi thư cho bà Nancy nhờ bà trang trí phòng điều trị.
Đó là động lực để bà Nancy quyết định mở rộng dự án của mình. Kể từ khi cải tạo Hufford & Knopf đến nay, bà Nancy đã thực hiện 20 dự án.
Mỗi dự án gồm nhiều phòng, có khi là cả một dãy nhà và mất vài tháng đến vài năm để hoàn thành, tùy vào quy mô.
Bà Nancy cùng các cộng sự đã cải tạo toàn bộ Khoa nhi ở Bệnh viện Đa khoa San Francisco cùng hai bệnh viện ở San Salvador và El Salvador, nơi phục vụ hơn nửa triệu bệnh nhân mỗi năm.
Bà tâm sự: ‘Ai cũng xứng đáng được ở trong một không gian đáng yêu, mang lại cho họ niềm hứng khởi và hy vọng’ - chính suy nghĩ đó thôi thúc bà đem tài năng của mình đến nhiều bệnh viện hơn.
Hiện nay, dự án của bà đã được cấp phép và có tên riêng chính thức – Những căn phòng hóa trị tuyệt vời (Rooms that rock 4 Chemo).
Bà làm việc với một nhóm nhỏ các nhà thiết kế San Francisco và tuyển thêm các nhà thiết kế ở những nơi tổ chức dự án.
Họ gặp các bác sỹ của bệnh viện và lên ý tưởng cho các phòng. Chủ đề phổ biến là những thứ mang lại cảm giác bình yên như phong cảnh ngoài trời, đặc biệt là phong cảnh mùa thu.
Bà Nancy kể, các y tá thường là những người đầu tiên xung phong tham gia dự án bởi họ biết các bệnh nhân sẽ rất thích căn phòng mới và họ hiểu được sự khác biệt to lớn mà những căn phòng này mang lại.
Sau khi trang hoàng lại phòng hóa trị, các nhà thiết kế cũng trang trí cả phòng nghỉ của y tá như một món quà nhỏ để cảm ơn sự tận tụy và tình yêu thương của họ với bệnh nhân.
Với bà Nancy, niềm hạnh phúc là khi các bệnh nhân cảm thấy được truyền thêm sức mạnh chiến đấu với bệnh tật. ‘Chúng tôi ở Philadelphia để dự lễ cắt băng khánh thành và có một phụ nữ mắc ung thư giai đoạn ba, sau khi nhìn thấy những căn phòng mới đã nói với tôi nhất định cô ấy sẽ chiến thắng ung thư’.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Người phụ nữ trang trí phòng hóa trị để tiếp thêm sức mạnh cho các bệnh nhân ung thư tại chuyên mục Quà tặng Cuộc sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].