Chính vì vậy, người bệnh cần phải được chăm sóc, nghỉ ngơi đúng cách, giữ sạch miệng vết thương, theo dõi những dấu hiệu sưng đau, nóng đỏ…
Dưới đây là 10 lưu ý được ThS.BS Nguyễn Quốc Vinh – Khoa Ngoại chung, Chuyên khoa Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chỉ dẫn để chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật đường tiêu hóa.
Và trong quá trình chăm sóc, thấy người bệnh có những dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử lý kịp thời.
1. Bệnh nhân sau phẫu thuật đường tiêu hóa cần phải được thăm khám bụng thường xuyên để theo dõi tiến triển của tình trạng bệnh sau mổ.
Cần phải theo dõi để xem bệnh nhân có bị đau, căng chướng bụng không. Đồng thời, cần khuyến khích người bệnh xoay trở, hít thở sâu… để tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái.
2. Sau phẫu thuật đường tiêu hóa nhiều người bệnh xuất hiện tình trạng nấc. Đây là tác dụng phụ của thuốc gây mê, do tính chất giải phẫu, tình trạng bệnh lý…
Khi bị nấc, người bệnh sẽ rất khó chịu và mệt mỏi, do đó, người bệnh cần được ngồi dậy, hút dịch dạ dày, hít thở sâu, uống nước ấm.
Nếu làm những điều này mà tình trạng nấc không đỡ thì người bệnh cần được uống thuốc chống nấc.
3. Sau phẫu thuật đường tiêu hóa, người bệnh cũng xuất hiện tình trạng nôn và sẽ khiến người bệnh bị mất nước, rối loạn điện giải.
Do đó, cần theo dõi số lượng, số lần, tính chất, màu sắc của chất nôn để được thực hiện đặt ống thông dạ dày và hút liên tục.
Người bệnh cần được nằm nghiêng để tránh hít chất nôn vào phổi.
4. Thay băng vết mổ khi thấm dịch, trường hợp vết mổ chảy máu phải thực hiện băng ép điểm chảy máu.
Để người bệnh thoải mái, giảm đau nên cho người bệnh ngồi dậy, xoay trở người.
5. Người bệnh sau phẫu thuật đường tiêu hóa thường hay bị chướng hơi, phục hồi nhu động ruột chậm, hay táo bón hoặc tiêu chảy.
Do đó, phải theo dõi tình trạng, nghe nhu động ruột, theo dõi cơn đau và theo dõi việc người bệnh đi vệ sinh.
Nếu người bệnh bị tiêu chảy có thể dùng kháng sinh, cho uống thuốc hoặc cho ăn sữa chua kèm theo.
6. Sau phẫu thuật người bệnh có thể gặp phải tình trạng choáng và suy giảm tuần hoàn liên quan đến thiếu máu, thiếu nước và điện giải.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do người bệnh nôn ói, không được ăn uống trước mổ, do rối loạn nước và điện giải trước mổ, do rò tiêu hóa sau mổ…
Chính vì vậy, bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc kỹ càng để thực hiện bù nước nếu cần.
Với bệnh nhân cao tuổi cần chú ý nguy cơ thừa và thiếu nước có khoảng cách rất hẹp.
7. Người bệnh sau phẫu thuật cần được gối cao đầu, ngồi dậy thường xuyên và cần được massage vùng bụng…
Bởi, sau phẫu thuật đường tiêu hóa, người bệnh thở nông và không dám ho vì đau bụng, thiếu oxy sau gây mê…
8. Cần theo dõi màu sắc, tính chất của nước tiểu để phát hiện tình trạng bất thường, đặc biệt là để phát hiện sớm tình trạng suy thận sau mổ.
9. Sau mổ thân nhiệt của người bệnh có thể tăng nhẹ. Cần theo dõi các dấu nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng vết mổ… để điều trị chống nhiễm trùng kịp thời.
10. Với những người bệnh có hậu môn nhân tạo cần phải chú ý chăm sóc kỹ càng, chú ý tình trạng da xung quanh hậu môn nhân tạo và màu sắc phân.
Linh NhiBạn đang xem bài viết 10 lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật đường tiêu hóa tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].