Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ án mẹ giết con thương tâm xảy ra khiến dư luận không khỏi xót xa. Đó câu chuyện về một giáo viên đang mang thai nhảy cầu tự vẫn, để lại thư tuyệt mệnh, hay người phụ nữ 33 tuổi sát hại con trai và cháu gái ruột rồi định tự tử nhưng bất thành.
Nguyên nhân của các vụ việc trên đều được cho là xuất phát từ căn bệnh trầm cảm. Dưới đây là câu chuyện Gia Đình Mới ghi lại từ trường hợp chị L. bị trầm cảm trải qua hai lần sinh con.
Chị L. nhận thức rõ sự đáng sợ của căn bệnh trầm cảm và chia sẻ câu chuyện của mình.
Sợ bóng tối và luôn nghĩ về cái chết
Sinh bé thứ 2 được 3 tháng, chị L. quay trở lại công việc. Bé lớn được hơn 2 tuổi, bé mới sinh quấy khóc đêm nhiều, vợ chồng chị thay nhau chăm hai đứa con. Chị trở nên mất kiểm soát với cuộc sống sau sinh.
Thời gian đó, ôm con trong tay nhưng lúc nào chị cũng nghĩ đến việc mình sẽ chết như thế nào: “Sống làm gì để cuối cùng cũng phải chết!”. Trước đó, chị hầu như không bao giờ nghĩ đến cái chết.
Cứ như vậy, ngày nào chị cũng thơ thẩn, buồn chán nghĩ về cái chết. Cho con bú, chị ý thức được việc mình có con nhưng chị lại không muốn yêu thương chăm sóc cho nó. Cảm giác duy nhất của chị là chán nản, mệt mỏi và lo lắng nhưng lại không thể bật khóc.
Mỗi ngày, chị L. chỉ ngủ được giấc chập chờn 3-4 tiếng. Cứ thức lúc nào là suy nghĩ về cái chết lại ấp đến lấn chiếm tâm trí chị. Chị trở nên sợ bóng tối chìm xuống, đến mức cứ từ 18 giờ hằng ngày chị lại ngồi thu lu trong ánh đèn sáng trưng. Trong nhà, không lúc nào chị tắt điện.
Chị L. gọi điện thoại tâm sự với một người bạn của mình. Không may mắn, người đó vừa trải qua cơn trầm cảm nên khi được lắng nghe, tình trạng của chị ngày một nặng lên. Chi hoảng loạn cực độ.
Chị L. rạch ròi được suy nghĩ mình phải hoặc lựa chọn sống vui vẻ, lạc quan hoặc u sầu, tiêu cực. Chị ý thức được mình phải sống vui lên nhưng có điều gì đó ghìm chị lại, cuốn chị vào nỗi buồn chán, ủ dột.
“Ba tháng sau sinh, tôi chỉ quanh quẩn trong phòng, cả ngày nghĩ về cái chết, tinh thần kiệt quệ", chị L. nhớ lại.
Một ngày sau, chị đem suy nghĩ của mình giãi bày với người thân, với chồng và được gia đình đưa đi gặp chuyên gia tâm lý. Những lượt gặp chuyên gia tư vấn trôi đi trong khoảng 2-3 tháng nhưng không thấy có dấu hiệu thuyên giảm, gia đình quyết định đưa chị tới Viện Sức khoẻ Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, sau khi gặp bác sĩ tư vấn, bác sĩ chẩn đoán chị L. bị mắc bệnh trầm cảm sau sinh, cần phải điều trị ngay. Bác sĩ cũng nói, vì chị ý thức được việc mình bị trầm cảm sau sinh nên tình trạng sẽ sớm được cải thiện tốt lên.
Sự đồng hành của người chồng
Ngày đó, những cánh tay kéo chị L. thoát khỏi trầm cảm sau sinh đó là sự yêu thương, chăm sóc của gia đình, sự kiên nhẫn lắng nghe, chia sẻ của chồng. Trong khoảng thời gian chị điều trị bệnh, bà nội, bà ngoại thay nhau chăm con giúp chị.
Chị L. tâm sự: “Gia đình ở bên, động viện, nói chuyện với tôi hàng ngày, chia sẻ và giúp tôi thoát ra được suy nghĩ tiêu cực, đặc biệt là người chồng của mình”.
Sau 6 tháng điều trị tích cực, có sự đồng hành của chồng và người thân, chị L. đã thấy vui vẻ hơn và bắt đầu có những suy nghĩ tích cực.
Trạng thái trầm cảm của chị L. chấm dứt khi con được gần 2 tuổi. Bây giờ, khi con được 2,5 tuổi, nhìn lại hành trình vượt qua giai đoạn trầm cảm sau sinh, chị L. vẫn thấy phi thường.
Nhìn lại, chị L. nghĩ có lẽ do chế độ nghỉ ngơi của chị trong giai đoạn nghỉ sinh không hợp lý, ăn uống không đầy đủ nên mới dễ dẫn tới trạng thái mệt mỏi kéo dài và nặng nề hơn là trầm cảm sau sinh.
“Tôi chỉ nghỉ sinh trước 1 ngày. Trong giai đoạn nghỉ sinh, tôi không đến công ty nhưng vẫn làm việc, trao đổi công việc qua điện thoại và máy tính. Sau khi sinh con được 3 tháng, tôi quay lại làm việc ngay. Khi đó, cả thể chất và tinh thần của tôi vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn”, chị L. chia sẻ.
Trầm cảm rất nguy hiểm, rất khó nhận ra, người mắc cũng khó phát hiện mình bị bệnh. Đó là những vết thương tâm lý nặng nề, dai dẳng và có thể để lại nhiều hậu quả không thể lường trước.
Từ kinh nghiệm bản thân và sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, chị L. rút ra được một số dấu hiệu của bệnh trầm cảm như:
- Giấc ngủ bất thường: Mất ngủ, ngủ không đủ, không ngon giấc.
- Mệt mỏi và kiệt sức dù cho đã ngủ và nghỉ ngơi nhiều.
- Rối loạn ăn uống: Buồn nôn, khó tiêu, rối loạn vị giác, ăn không ngon…
- Khó tập trung, giảm chú ý, hay quên, giao tiếp kém linh hoạt.
- Buồn chán, bi quan về cuộc sống, không còn cảm thấy bất kỳ điều gì vui vẻ, hứng khởi.
Chị L. đưa ra một số giải pháp:
- Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý trong giai đoạn mang thai và sau sinh.
- Cần được chia sẻ việc chăm sóc con với chồng, người thân.
- Cần nhận thức được sự nghiêm trọng của bệnh và cư xử đúng đắn.
- Đến các cơ sở y tế, nghe tư vấn của bác sĩ có chuyên môn.
- Tiếp xúc với những người lạc quan để tinh thần phấn chấn hơn, được người xung quanh yêu thương, quan tâm, chia sẻ, lắng nghe.
Tú AnhBạn đang xem bài viết Tâm sự của bà mẹ từng trầm cảm sau sinh: Không muốn chăm con, cả ngày chỉ nghĩ về cái chết tại chuyên mục Cẩm nang của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].