Những gánh nặng phải đối mặt khi tỉ lệ sinh non ngày càng tăng
Hiện nay, tỉ lệ sinh non ở Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, trung bình mỗi năm giao động khoảng 100.000 - 110.000 trẻ/năm.
Ngay tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trung tâm thường xuyên tiếp nhận điều trị cho khoảng 400 trẻ, có những trẻ chỉ khoảng 500 - 600 gram.
Tính tổng trung bình, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận, điều trị cho khoảng 25.000-26.000 ca sơ sinh, trong đó, số ca sơ sinh non tháng nhẹ cân khoảng 4.000 ca.
PGS. TS Trần Danh Cường cho biết, chăm sóc trẻ sơ sinh rất tốn kém, vất vả không chỉ về tiền bạc mà còn con người...
Một đứa trẻ sinh non chào đời sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ: Suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, thiếu máu, vàng da, mù loà, điếc, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động...
Nhưng nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách, trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Điển hình, năm 2010, Trung tâm đã nuôi dưỡng đứa trẻ sinh non nhẹ cân nhất (500gr). Đến nay, em bé Hải Dương này đã đi học, phát triển bình thường.
Năm 2015, Bệnh viện nuôi dưỡng cặp song sinh thụ tinh trong ống nghiệm có tuổi thai thấp nhất Việt Nam (24 tuần, tại Thái Bình), cân nặng lần lượt 500-600gr.
Hiện hai bé đang phát triển bình thường về thể chất, tinh thần.
Các chuyên gia cho biết, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đẻ non với nhiều phương tiện thăm dò, chẩn đoán phát hiện nguy cơ sinh non.
Nhiều thai phụ từ khi có những dấu hiệu doạ đẻ non đã phải vào viện nằm từ tuần thai thứ 16 đến lúc sinh.
Bệnh viện cũng áp dụng phác đồ điều trị hiện đại nhất của thế giới, với các loại thuốc hàng đầu để chống đẻ non.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, những loại thuốc này rất đắt nên tạo ra gánh nặng tài chính với gia đình, dù đã có BHYT chi trả một phần.
Những sai lầm thường gặp
Theo PGS.TS Trần Danh Cường, có nhiều yếu tố nguy cơ gây đẻ non, trong đó có nguyên nhân nguy cơ từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, mẹ thường mang đa thai và sinh non tháng.
Những người mẹ vất vả, lao động nhiều trong tư thế đứng, căng thẳng thần kinh, khó khăn... thường có nguy cơ sinh non. Nhưng đa số không rõ nguyên nhân vì sao lại sinh non.
Trẻ sinh non gặp rất nhiều nguy cơ, do đó, chăm sóc trẻ cần phải giải quyết toàn bộ yếu tố nguy cơ, chống suy hô hấp, chống nhiễm trùng, dinh dưỡng đầy đủ, phục hồi chức năng bằng massge, lời ru yêu thương, gần gũi của gia đình...
Với trẻ sinh non, dinh dưỡng là vấn đề lớn, vì trẻ không ăn được sau sinh, mà phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch, tập ăn dần.
Trẻ sinh non dưới 1 kg, lúc mới sinh chỉ ăn 10-20ml/bữa, dần tăng lên khi trẻ có khả năng bú, nuốt, tiêu hoá, tự thở...
Khi trẻ ra viện, gia đình phải đảm bảo sạch sẽ cho cả mẹ và bé trong sinh hoạt, phòng ốc, không nên thăm hỏi nhiều cho bé, tiêm chủng đúng lịch, khám định kỳ, không tự ý dùng thuốc...
Nói về những sai lầm của các gia đình khi sinh con non tháng, chuyên gia cho hay, nhiều bà mẹ khi bế con từ viện về đóng cửa phòng kín mít, không một khe thoáng nào, khiến môi trường trong phòng ô nhiễm.
Thêm vào đó, thấy cháu sinh non tháng, nhiều người vào thăm nom, ôm hôn cháu... cũng dễ khiến môi trường ô nhiễm, bé dễ bị nhiễm bệnh.
Không ít bà mẹ nghĩ, con sinh non tháng yếu ớt nên từ chối cho con tiêm chủng vắc xin. Đây là sai lầm lớn của các bà mẹ.
Chuyên gia khẳng định, việc đưa trẻ đi tiêm phòng đúng hạn là quyền được bảo vệ sức khoẻ của trẻ, và việc tiêm vắc xin phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Sinh non: Nguyên nhân và những sai lầm thường gặp của các mẹ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].