Sau liên hoan là... nhập viện, tử vong vì ngộ độc rượu

Trong số ca tửng vong, 50% do ngộ độc cồn công nghiệp, còn lại là tử vong do rượu trắng, rượu ngâm.

Đầu tháng 3/2017, vụ việc 7 sinh viên nhập viện do ngộ độc rượu là lời cảnh tỉnh cho giới trẻ

Đầu tháng 3/2017, vụ việc 7 sinh viên nhập viện do ngộ độc rượu là lời cảnh tỉnh cho giới trẻ

Cuối năm, hầu như ngày nào Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc rượu vào cấp cứu. Bệnh nhân có xu hướng trẻ hóa độ tuổi, tập trung nhiều ở sinh viên. Nhiều trường hợp ngộ độc quá nặng không thể qua khỏi.

Gần đây nhất, cuối tháng 12/2017, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nữ bệnh nhân V.T.H (24 tuổi, ở Phú Thọ) bị hôn mê do ngộ độc rượu.

Theo người nhà bệnh nhân cho biết, H. là sinh viên. Ngày 19/12, H. về quê đi ăn liên hoan với bạn bè và uống rượu say. Liên hoan xong, nữ sinh về nhà ngủ nhưng đến hôm sau vẫn trong trạng thái li bì, mê man.

Bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế địa phương cấp cứu. Sau khi sơ cứu, H. được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, nói sảng.

Không chỉ riêng với H., cứ vào dịp Lễ, Tết, các bạn trẻ thường tổ chức nhiều đợt liên hoan. Và để tăng độ vui, không ít trong số đó lựa chọn uống rượu.

Vào tháng 3 năm 2017, thậm chí có tới 12 sinh viên sau một cuộc liên hoan chào mừng ngày 8/3 phải nhập viện vì đau đầu, mờ mắt, buồn nôn.

Các bệnh nhân được xác định ngộ độc methanol, được điều trị giải độc, hồi sức tích cực, lọc máu.

Trên thực tế, nhiều người đang lầm tưởng chỉ ngộ độc rượu là ngộ độc methanol – cồn công nghiệp. Nhưng theo báo cáo của Bộ Y tế, 10 năm qua, toàn quốc có 382 người bị ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn làm 98 người chết.

Trong số ca tửng vong, 50% do ngộ độc cồn công nghiệp, còn lại là tử vong do rượu trắng, rượu ngâm.

Tỉ lệ này khiến nhiều người bất ngờ vì cho rằng rượu nấu, rượu ngâm được xử lý sẽ hạn chế chất độc, chưa kể nó còn bổ dưỡng.

Trao đổi với PV Gia Đình Mới, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết: ‘Bản thân rượu đã có độc tố, riêng với rượu ngâm, người tiêu dùng dễ mua phải dược liệu giả.

Sản xuất rượu hiện nay rất dễ bị nhiễm độc do nhiều cơ sở kinh doanh không đảm bảo đúng quy trình sản xuất và bảo quản.

Chưa kể, các loại rễ, động vật, bào thai có công dụng chữa bệnh, bổ dưỡng ngâm để có tác dụng  cần biết cách ngâm, cách sao, tẩm trước khi ngâm thì mới có kết quả.

Mặt khác, nhiều người vì nghĩ bổ dưỡng mà uống vô tội vạ, không để ý tới liều lượng càng gây ảnh hưởng không tốt’.

Theo ThS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trước và sau tết là thời điểm số ca ngộ độc rượu tăng đáng kể.

‘Methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1-2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.

Trung tâm Chống độc đã từng tiếp nhận có trường hợp ngộ độc rượu với nồng độ methanol lên đến 687 mg/dL, bệnh nhân tử vong không thể qua khỏi.

Hoặc không ít các ca bệnh thoát chết nhưng để lại những di chứng ở não, mắt rất nặng nề do phù, hoại tử nhân bèo, chảy máu não…

Người bệnh tuy được cứu sống nhưng mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Methanol là gì?

Methanol là một loại cồn công nghiệp, có công thức choá học CH3OH, còn gọi là methyl alcohol, colonial spirit hay dung môi alcohol.

Người làm rượu thường cho loại cồn khô này vào khi chưng cất, khi pha rượu (từ cồn) hay chế rượu thuốc để làm cho rượu chóng ra hơn, dậy mùi hơn. Đó là quá trình đưa chất độc methanol vào rượu.

Song methanol không phải là loại thực phẩm, vì vậy, việc sử dụng các loại rượu có nồng độ methanol vượt mức quy định (ngưỡng cho phép là <0,1%, nghĩa là trong 1.000ml rượu chỉ có dưới 1ml methanol) có thể ngộ độc methanol.

Nhiễm độc methanol bắt đầu xuất hiện từ 18 - 24 giờ sau khi uống phải hóa chất này, bao gồm các biểu hiện tương tự như khi uống quá nhiều rượu nên thấy buồn ngủ, lú lẫn, mất điều hòa vận động, nhức đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kèm với các biểu hiện rối loạn thị giác từ nhìn mờ đến không nhìn thấy hoàn toàn.

Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 12-24 giờ sau khi phơi nhiễm. Trường hợp nhiễm độc nặng sẽ có dấu hiệu thở nhanh, hôn mê, suy thở, tụt huyết áp nặng, ngưng tim và có thể dẫn đến tử vong.

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính