Qua tuổi 30, khuôn mặt bắt đầu xuất hiện nám khiến da xấu xí, chị Nguyễn Thu Thủy (Mai Dịch, Cầu Giấy) được giới thiệu dùng 'rượu thuốc Bắc' để làm đẹp.
Mỗi lọ thuốc có giá khoảng 200.000 đồng/ml, ngày bôi 2 lần, sáng - tối và chỉ cần dùng 1 lọ là hết sạch các vấn đề về da.
Được giới thiệu là thế nhưng khi chị Thủy bôi 'thần dược' được 1 tuần thì mặt có dấu hiệu sưng đỏ, rát râm ran khắp mặt. Lo sợ tình trạng tồi tệ thêm, chị Thủy hỏi người bán thì được khẳng định, 'đó là dấu hiệu bình thường, da sưng, càng bong thì càng hiệu quả'.
Tuy nhiên, khi đến khám tại Bệnh viện Da Liễu, chị Thủy được các bác sĩ khuyến cáo ngừng sử dụng vì đây là cách làm đẹp thiếu khoa học.
Qua tìm hiểu, chị Thuỷ chỉ là một trong nhiều người tìm đến mỹ phẩm thiên nhiên như mỹ phẩm thuốc Bắc với niềm tin cải thiện nhan sắc.
Thế nhưng, nhiều người không biết, ngay trong cách đóng gói sản phẩm, rượu thuốc đã thiếu an toàn, chưa nói tới, cách làm đẹp này vô cùng nguy hiểm với làn da.
Chị P.T.Y – kinh doanh rượu làm đẹp online – khẳng định chắc nịch chất lượng sản phẩm đang bán. Y. cho biết: ‘Chị dùng bông thấm rượu bôi lên mặt, sau vài ngày da sưng đỏ, bong tróc thì ngừng 2 – 3 hôm’. Nhưng khi PV yêu cầu đảm bảo sau sử dụng, Y. ‘bặt vôn âm tín’.
Quan sát cho thấy, các loại rượu thuốc Bắc chữa mụn, chữa nám có màu sánh đen, mùi thơm nhẹ đặc trưng của rượu ngâm với cây thuốc. Chúng được đựng trong những lọ, chai nhựa tái sử dụng, từ chai nước khoáng đến chai thủy tinh.
Không có mẫu mã nhất định, không rõ thành phần, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng..., cái người mua rõ, đó là cách sử dụng ‘ngày vài lần, bôi liên tục’ được người bán truyền đạt lại.
Đôi khi, người mua được bật mí thêm về thành phần ‘thần dược’, đó chính là rễ cây mật gấu, mật ngâm…
Trao đổi với PV Gia Đình Mới, bác sĩ Tạ Minh An (Khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Da liễu) chia sẻ: ‘Đa phần, rượu thuốc được đựng trong những chai nhựa, rượu có tính trung hòa cực mạnh, sẽ làm phôi nhựa gây ảnh hưởng không nhỏ tới da và sức khỏe người sử dụng.
Bên cạnh đó, khi bôi rượu vào da dễ khiến da bị bắt nắng, xỉn màu. Riêng nguyên liệu để ngâm, nếu trong quá trình sử dụng không được xử lý dễ phát sinh vi khuẩn, mất vệ sinh.
Khi bôi trực tiếp lên da sẽ khiến da nổi mụn. Chưa kể tới, để người dùng sử dụng nhanh có hiệu quả, da trắng hồng tức thì, người bán có thể trộn hóa chất tẩy da, làm trắng da vào hỗn hợp rượu ngâm, nhất là corticoid’.
Các bác sĩ cũng cho rằng, việc bôi rượu lên mặt để trị mụn, trị nám hay làm đẹp như vậy là phản khoa học.
Rượu thực chất là dung môi gây kích ứng da, làm da sẩn ngứa, ửng đỏ khi ở độ nhẹ, rượu độ nặng có thể làm bong tróc tổn thương da.
Nguy hại là khi lớp biểu bì ngoài cùng của da bị tổn thương đồng nghĩa với việc làn da đó không còn khả năng chống chọi với các tác nhân gây hại như tia cực tím, ô nhiễm môi trường... dẫn đến hệ quả là da rất yếu, dễ bị mụn, nám, bị viêm hoặc có thể dẫn đến ung thư da.
Trước tình trạng da lão hóa, nám… muốn điều trị tận gốc, chị em nên đến các cơ sở, bệnh viện uy tín khám, chữa trị. Riêng với mụn, cần kiểm tra để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có phác đồ điều trị đúng.
Người tiêu dùng cũng nên tỉnh táo trong việc sử dụng mỹ phẩm, cần tìm đến mỹ phẩm rõ nguồn gốc, thành phần để tránh trở thành nạn nhân của mỹ phẩm kém chất lượng.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Trị mụn, nám da bằng rượu thuốc Bắc: Không có tác dụng, chỉ làm tăng thêm mụn, tổn thương da tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].