Không ít bà nội trợ có thói quen dùng nước muối ngâm rau, củ, quả với suy nghĩ cách làm này sẽ giúp diệt khuẩn, loại bỏ các hóa chất độc hại do thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại do thương lái phun tẩm để giữ rau, củ, quả tươi lâu. Với cách làm này, các bà nội trợ sẽ có tâm lý an tâm khi ăn rau sống, ăn quả cả vỏ.
Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng TS.BS Từ Ngữ, Tổng thứ ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khẳng định: “Nước muối chỉ có tác dụng sát khuẩn, không có tác dụng trong việc loại bỏ hóa chất độc hại trong thực phẩm.
Nguy hiểm hơn là việc lạm dụng nước muối khi ngâm rau củ quả sẽ gây ra những tác hại xấu cho sức khỏe. Ngâm rau trong nước muối sẽ làm rau bị dập nát, mất vitamin và dưỡng chất. Hơn nữa, khi ngâm nước muối với nồng đồ cao sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu khiến rau củ quả bị nhiễm mặn. Chính điều đó sẽ hình thành thói quen ăn mặn và gây ra gánh nặng cho gan, thận, dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh tăng huyết áp, tim mạch.
Hiện, vẫn chưa có loại dung dịch nào, phương pháp nào để loại bỏ hóa chất độc hại được bơm tẩm, tồn động trong thực phẩm. Cách duy nhất để giảm hóa chất độc hại trong thực phẩm là tuyên truyền, giáo dục cho người dân, nhất là người nông dân, thương lái, để họ hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi và bảo quản thực phẩm. Trong trường hợp phải dùng đến thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật thì cần tuân thủ việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của nhà sản xuất”.
Để hạn chế hóa chất độc hại trong thực phẩm, nhất là rau, củ, quả, TS Từ Ngữ khuyên rằng hãy chọn lựa thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Với rau, củ, quả nên ăn đúng mùa vụ vì rau quả nào chính vụ sẽ ngon hơn, ít bị phun hóa chất, chất bảo quản hơn, càng trái vụ thì càng phải dùng nhiều thuốc trừ sâu.
Cách ăn khôn ngoan nhất là ít ăn rau lá, ăn nhiều rau củ, rau quả và khi ăn gọt bỏ phần vỏ thì sẽ hạn chế được rất nhiều các chất độc hại.
Khi rửa rau, củ, quả thì nên rửa nhiều lần dưới vòi nước để giúp loại bỏ trứng các loại ký sinh bám trên bề mặt rau, củ.
Và nên ăn đa dạng các loại rau, củ, quả trong bữa ăn bên cạnh các thực phẩm giàu đạm, tinh bột, để đảm bảo cung cấp đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ cho cơ thể. Khi ăn không nên ăn quá no, cần ăn với tâm trạng vui vẻ, nhai kỹ khi ăn, không ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh, không ăn quá khuya, hạn chế ăn vặt và cần nghỉ ngơi sau bữa ăn, uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày.
"Bản thân tôi khi mua rau củ quả tôi luôn ưu tiên mua các loại chính vụ, vì nó vừa ngon, vừa đảm bảo an toàn. Có dịp đi xuống các vùng quê, tôi sẽ mua rau vườn của các hộ dân lên cất tủ lạnh ăn dần. Tôi thường chọn mua mướp và rau ngót, vừa ngon lại sạch, hơn nữa có thể nấu chung với nhau có vị rất ngon, đa dạng được dinh dưỡng.
Bình thường khi nấu ăn tôi cũng thường nấu, luộc chung khoảng 5 loại rau (rau dền trắng, dền đỏ, ngót, mồng tơi, rau khoai lang), đa dạng thực phẩm như vậy thì cơ thể mới được hấp thu đa dạng các vitamin và khoáng chất.
Trong quá trình chế biến, tôi chỉ rửa rau dưới vòi nước chảy để cho sạch đất, cát, trứng giun... chứ không ngâm nước nước muối hay sục rau quả vì cách làm này không sạch được hóa chất. Chọn mua và ăn các loại rau dạng củ, rau quả nhiều hơn cũng là cách mà tôi hay sử dụng để giảm bớt dung nạp hóa chất độc hại vào cơ thể" - TS.BS Từ Ngữ chia sẻ kinh nghiệm.