Báo Điện tử Gia đình Mới

Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn trong các cơ sở đại học: Thời cơ và cần giải pháp đột phá

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh thời cơ và các giải pháp để Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn trong hệ thống các cơ sở đại học.

Ngày 19/10, tại ĐH Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở GDĐH Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cùng đại diện gần 40 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Đây là những cơ sở đào tạo có quy mô lớn các ngành phù hợp, ngành gần với chuyên ngành thiết kế chip bán dẫn.

Việt Nam cần 50.000 nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn

Theo Bộ GD&ĐT, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó, lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Hiện tại, có khoảng 5.000 người thiết kế vi mạch đến từ các trường Đại học kỹ thuật; nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó sinh viên tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sỹ, tiến sỹ).

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới khoảng 20.000 người và 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên...

TS. Nguyễn Trung Hiếu - Phó trưởng khoa, Phụ trách khoa Kỹ thuật Điện tử 1 (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho rằng, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ cao ngành bán dẫn, nhà nước và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các trường đại học.

Bởi, doanh nghiệp vừa là nhà sử dụng nguồn nhân lực vừa là nhà đầu tư, đồng thời, doanh nghiệp còn có nhiệm vụ tái đào tạo, đào tạo nội bộ, kết hợp đào tạo, đặt hàng trường đại học, cấp học bổng cho sinh viên.

TS. Nguyễn Trung Hiếu khẳng định: Trường đại học vừa là nhà đào tạo vừa là nhà nghiên cứu - đổi mới - sáng tạo. Để đào tạo được các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học và đòi hỏi sự hợp tác của ba bên hết sức quan trọng là nhà nước, trường đại học và doanh nghiệp.

Thời cơ và các giải pháp đột phá

Chủ trì hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư cao, yêu cầu cao, kỳ vọng cao, người học có thể có lương cao, phải đào tạo với tinh thần là chất lượng cao. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo.

Bộ trưởng Sơn cũng xác định hiện nay đang là thời cơ để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

"Dịch chuyển FDI trên phạm vi toàn cầu, khi các quan hệ quốc tế thay đổi, khi vị thế của Việt Nam có điều chỉnh, khi sự tin cậy trong quan hệ quốc tế có thể mang lại sự tin cậy, sự chia sẻ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật.

Đồng thời, với tiềm lực của các trường đại học cả công, cả tư, với hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự quan tâm của Chính phủ, các địa phương thì thời cơ đã chín muồi".

Tuy nhiên Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ sở giáo dục đại học phải nhận thấy còn rất nhiều khó khăn ở phoá trước và cần các giải pháp đột phá.

Đây là ngành mới, không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.

Với các trường đủ quyết tâm chứng minh được khả năng của mình, Bộ GD&ĐT sẵn sàng cho các trường tuyển sinh sớm. Về phía Bộ GDĐT sẵn sàng ban hành Thông tư và quy chế đặc biệt; quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, để sử dụng chương trình của nhau, sử dụng chương trình của nước ngoài… Với các thành tố của đào tạo, các trường cần nghĩ đột phát hơn nữa, đừng quá rụt rè. Trách nhiệm của Bộ là tạo ra niềm tin, chỗ dựa pháp lý và chỉ đạo để các trường có thể thực hiện được.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cam kết, về phía trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, sẽ chuẩn bị về thể chế, luật chơi, cái gì làm được sẽ làm ngay. Trong đó, chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển và sẽ có một bộ phận điều hành để có sự điều phối về cả nhân lực chung, cơ sở vật chất chung, thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo với nhau để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình.

Sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này và các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt. Nhưng phải đảm bảo niềm tin về chất lượng, không thể bỏ qua yêu cầu về chất lượng.

Tăng cường chia sẻ và dùng chung, tăng cường cả các chương trình liên kết với nước ngoài, tăng cường chia sẻ doanh nghiệp về chỗ thực tập, thực hành, đóng góp. Doanh nghiệp tăng cường đặt hàng để đào tạo chắc chắn ngay từ đầu, tránh việc phải đào tạo lại.

Về phía Bộ GDĐT sẽ có hệ thống điều tiết, cả dữ liệu về người học, giáo viên, chế độ chính sách để tiết kiệm nhất chi phí nguồn lực chuẩn bị của các cơ sở. Hệ thống công - tư cùng đồng hành.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính