Báo Điện tử Gia đình Mới

Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn

Bộ GD&ĐT nhận định công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai nhưng đang mắc những điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển nguồn nhân lực ngành này.

Sáng 19/10, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tại Đà Nẵng với sự tham gia của 40 trường Đại học trong cả nước.

Điểm nghẽn của ngành Công nghiệp bán dẫn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Đây là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam. Trong đó, điển hình là ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch.  

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Việt Nam đang thiếu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Việt Nam đang thiếu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch.

Theo Thứ trưởng Sơn, Công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Cũng như nhiều ngành công nghệ cao khác, ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.

Tuy nhiên, người học và các cơ sở đào tạo sẽ ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.

Vòng quẩn này chính là điểm nghẽn lớn, bên cạnh sự định hướng rõ nét, nguồn lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ động vào cuộc của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước, từ đó thu hút đầu tư, phát triển thị trường lao động và tạo vòng hồi tiếp để thu hút người học, gia tăng nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thu hút đầu tư.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động trong toàn ngành để thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.

Vai trò quan trọng của các trường đại học trong đào tạo sinh viên ngành công nghiệp bán dẫn

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, để thực hiện việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ bán dẫn, bên cạnh sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp, của địa phương thì vai trò của các cơ sở giáo dục đại học là chủ yếu.

Theo số liệu thống kế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở Giáo dục ĐH có khả năng tham gia, tuy nhiên số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống còn rất ít.

"Cần tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm…

Thứ hai, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.

Thứ ba, cần xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, với các địa phương nơi các doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

5 trường đại học ký kết Biên bản Hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn.

5 trường đại học ký kết Biên bản Hợp tác liên minh về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn.

Tại hội thảo, đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Đà Nẵng đã có những tham luận về công tác đào tạo những chuyên ngành này, những định hướng, đề xuất và giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dụcđại học Việt Nam.

Trong khuôn khổ của hội thảo, 5 cơ sở giáo dục đại học gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ký kết Biên bản Hợp tác liên minh.

Việc ký kết hợp tác này nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở giáo dục đại học.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO