Tiềm năng dược liệu to lớn
Theo Cục Quản lý Y Dược cổ truyền - Bộ Y tế, hàng năm, tổng số dược liệu được sử dụng trong ngành Y tế nước ta ước tính khoảng 100.000 tấn, với tổng giá trị thị trường trên 400 triệu USD/năm.
Trong khi đó, theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, 80% dân số toàn cầu sử dụng thảo dược để chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam, thống kê của các nhà khoa học cho thấy, tại Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật bậc cao, trong đó có các loài cây dược liệu. Các nhà dược học cũng tìm kiếm và thông kê được hơn 6.000 loài dược liệu có giá trị chữa bệnh.
Đặc biệt, dược liệu của Việt Nam rất đa dạng, có những cây ngắn ngày như hoa cúc chỉ 3 tháng 1 vụ, cũng có những cây 12 tháng 1 vụ như cây hoài sơn, nhưng có những cây 3 năm - 5 năm mới được thu hoạch như cây ba kích, hà thủ ô. Thậm chí có những cây 10 năm, 20 năm mới được thu hoạch như sâm ngọc linh, quế…
Hơn nữa, vùng dược liệu của Việt Nam rất phong phú, với 70% diện tích của nước ra là vùng núi và vùng nông nghiệp, thuận lợi để phát triển dược liệu.
Ngoài ra, nước ta với nhiều vùng địa lý, có khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm cao là điều kiện để hệ sinh thái động, thực vật đa dang, đặc biệt các loài dùng để làm thuốc.
Có thể thấy, tiềm năng phát triển ngành dược liệu ở Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên hầu hết các loài cây dược liệu đều sinh trưởng bên trong rừng phòng hộ, dưới tán rừng, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số. Do vậy, nếu đem lại quyền lợi cho người dân nơi đây thì mới phát triển được dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Nhằm góp phần tạo sinh kế, tăng thu nhập cho bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu: Giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 đầu tư hỗ trợ phát triển dược liệu quý được triển khai thí điểm theo hình thức dự án liên kết chuỗi giá trị tại 22 huyện của 21 tỉnh, với 18 dự án vùng trồng dược liệu quý và 4 dự án Trung tâm nhân giống ứng dụng công nghệ cao.
Mục tiêu của chương trình là bước đầu hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý; hình thành ý thức nuôi trồng dược liệu theo chuỗi giá trị và bảo tồn nguồn gene dược liệu đảm bảo các quy trình, tiêu chuẩn quản lý chất lượng; kết hợp bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ổn định sinh kế cho người dân.
Liên kết “4 nhà” để phát triển dược liệu
PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi muốn thành công cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và người dân). Mối quan hệ của 4 nhà sẽ thúc đẩy phát triển dược liệu bền vững.
Trong mối quan liên kết "4 nhà" thì vai trò của nhà quản lý là cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trồng dược liệu ở miền núi; chính sách khuyến khích mạnh hơn nữa để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; chính sách khuyến khích người dân sử dụng các bài thuốc Đông y; cần truyền thông tốt hơn nữa về vấn đề việc sử dụng các thuốc Đông y trong việc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, nâng cao sức khỏe…
Vai trò của các nhà khoa học là nghiên cứu để cho ra những bài thuốc, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp tốt nhất từ các loại dược liệu được nuôi trồng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Vai trò của các doanh nghiệp là kết hợp với các nhà khoa học để tạo ra các sản phẩm tốt. Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm đầu vào, đầu ra cho các loại dược liệu để duy trì phát triển bền vững vùng dược liệu. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải tiến hành tập huấn, hướng dẫn người dân nuôi trồng chăm sóc dược liệu đúng cách.
Còn vai trò của người dân tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi là tham gia trồng dược liệu, các sản phẩm đồng bào làm ra được doanh nghiệp thu mua. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên chính mảnh đất của họ.
3 chân kiềng thúc đẩy phát triển dược liệu bền vững
Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, để phát triển dược liệu bền vững cần có 3 yếu tố gồm: Thứ nhất là thể chế và các quy định của luật pháp thúc đẩy vùng dược liệu phát triển; Thứ 2 là cần có thị trường; Thứ 3 là vấn đề nguồn vốn. Đây là 3 yếu tố quan trọng, giống như kiềng 3 chân, thiếu yếu tố nào cũng không được.
Về vấn đề luật pháp, PGS Cảnh chỉ rõ, khi nói đến dược liệu là đang nói đến các loại thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền, là nhắc đến nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp… Nhưng dược liệu không chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích thuốc chữa bệnh. Vì nhu cầu thuốc chữa bệnh không phải là vô tận mà nó có giới hạn. Để phát triển bền vững dược liệu phải hướng đến phục vụ cho nhu cầu thứ 2. Đó là nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp… Mà để có được các sản phẩm này thì cần một thể chế, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm.
Vấn đề thứ 2 là cần có thị trường. Nếu không cho thị trường xuất hiện thì không phát triển được. Do vậy, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho rằng, doanh nghiệp cần lấy con người làm trung tâm, tìm nhu cầu của con người để làm ra các loại dược liệu, các sản phẩm phục vụ nhu cầu của con người, bảo vệ sức khỏe của con người, giúp họ có sức khỏe, có sắc đẹp, tăng tuổi thọ, tăng chất lượng cuộc sống...
Vấn đề thứ 3 là nguồn vốn. Trồng dược liệu ở miền núi thì doanh nghiệp rất vất vả, tốn nhiều chi phí vì phải đi xa. Vậy nên, theo PGS Cảnh, việc giúp đỡ vốn cho doanh nghiệp cũng là vấn đề cần phải bàn để giúp họ vượt qua khó khăn trong quá trình triển khai phát triển dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Việc giúp đỡ vốn cho doanh nghiệp có thể dưới dạng vay vốn dự án với giá ưu đãi. Tuy nhiên, khi tiến hành vay vốn, doanh nghiệp phải chứng minh được có làm dược liệu hay không, có sản phẩm đầu ra không, mang lại lợi ích cho người nông dân thì mới được phép vay vốn với giá ưu đãi… Làm được như vậy sẽ giúp kích cầu rất lớn cho doanh nghiệp và cũng tránh được tình trạng trục lợi vốn.
Nếu đáp ứng được những điều này thì phát triển dược liệu mới bền vững, mới đem lại giá trị thật sự cho người dân, cho doanh nghiệp, cho người trồng dược liệu và cho đất nước.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Phát triển dược liệu ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần sự liên kết của '4 nhà' tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].