Báo Điện tử Gia đình Mới

Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 2 - 5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược).

Theo nội dung chiến lược, một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2023 là xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 2 - 5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 - 15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước.

Việt Nam đang quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm. Ảnh minh họa

Việt Nam đang quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm. Ảnh minh họa

Hiện, Việt Nam đang quy hoạch 8 vùng dược liệu trọng điểm để lựa chọn và khai thác hợp lý dược liệu. Theo quy hoạch, 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam bao gồm: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Việc quy hoạch 8 vùng trồng dược liệu này cũng trùng khớp với cách phân chia địa lý của Việt Nam theo yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và sinh thái.

- Vùng núi cao với khí hậu á nhiệt: gồm Lào Cai (Sa Pa), Lai Châu (Sìn Hồ) và Hà Giang (Đồng Văn, Quản Bạ) phát triển trồng 13 loài dược liệu: bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn) và áctisô, đỗ trọng, độc hoạt, đương quy, tam thất, hoàng bá, mộc hương, ô đầu, xuyên khung..., với diện tích 2.550ha.

- Vùng núi trung bình có khí hậu á nhiệt đới: gồm Lào Cai (Bắc Hà), Sơn La (Mộc Châu) trồng 12 loài dược liệu: bình vôi, đảng sâm, hà thủ ô đỏ, tục đoạn, ý dĩ và áctisô, bạch truật, bạch chỉ, dương cam cúc, đỗ trọng, đương quy, huyền sâm. Diện tích phát triển quy hoạch khoảng 3.150 ha.

- Vùng trung du miền núi Bắc Bộ: gồm Bắc Giang, Yên Bái, Quảng Ninh, Lạng Sơn, phát triển trồng 16 loài dược liệu: ba kích, đinh lăng, địa liền, gấc, giảo cổ lam, ích mẫu, kim tiền thảo, hồi, quế, sà, sa nhân tím, thanh hao hoa vàng, ý dĩ, bạch chỉ, bạch truật, địa hoàng, trên diện tích quy hoạch phát triển khoảng 4.600 ha.

- Vùng Đồng bằng sông Hồng: gồm Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định và Thái Bình với 20 loài dược liệu như: cúc hoa, diệp hạ châu đắng, địa liền, đinh lăng, gấc, hòe, củ mài, hương nhu trắng, râu mèo, ích mẫu, thanh hao hoa vàng, mã đề, bạc hà, bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, địa hoàng, đương quy, ngưu tất, trạch tả. Diện tích quy hoạch phát triển khoảng 6.400 ha

- Vùng Bắc Trung Bộ: các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An; quy hoach gồm 10 loài bản địa: Diệp hạ châu, đinh lăng, củ mài, hòe, hương nhu trắng, ích mẫu, nghệ vàng, quế, sả, với diện tích gây trồng khoảng 3.300 ha.

- Vùng duyên hải Nam Trung Bộ: gồm các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa: Bụp giấm, diệp hạ châu đắng, dừa cạn, đậu ván trắng, củ mài, nghệ vàng, quế, râu mèo, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh, với diện tích khoảng 3.200 ha.

- Vùng Tây Nguyên: gồm Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông là vùng có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, quy phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa diện tích khoảng 2.000 ha gồm: Gấc, gừng, hương nhu trắng, đảng sâm, nghệ vàng, sa nhân tím, sả, sâm Ngọc Linh, trinh nữ hoàng cung, ý dĩ.

- Vùng Tây Nam Bộ và vùng Đông Nam Bộ: gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh phát triển trồng 10 loài dược liệu bản địa gồm: Gừng, trinh nữ hoàng cung, nghệ vàng, nhàu, rau đắng biển, hoàn ngọc, tràm, xuyên tâm liên, râu mèo và kim tiền thảo, với quy mô khoảng 3.000 ha.

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO