Truy xuất nguồn gốc dược liệu và 3 yếu tố cần thiết thúc đẩy phát triển dược liệu bền vững

Truy xuất nguồn gốc dược liệu và sản phẩm từ dược liệu mang lại sự minh bạch, an toàn cho người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy phát triển dược liệu bền vững.

Hiểu đúng về truy xuất nguồn gốc dược liệu

Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, dược liệu đóng vai trò quan trọng trong ngành y tế. Dược liệu có thể là các loại cây, con hoặc các thành phần tự nhiên khác, được sử dụng để sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, bổ sung dinh dưỡng, nâng cao sắc đẹp và điều trị các bệnh.

Việt Nam là quốc gia đa dạng sinh học cao, với hơn 5.000 loài cây thuốc và nhiều động vật có thể làm thuốc. Đây là kho tàng rất lớn để lựa chọn, từ đó tạo ra các sản phẩm phục vực chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh tật. Để phát triển dược liệu bền vững thì công tác truy xuất nguồn ngốc dược liệu đóng vai trò và ý nghĩa rất lớn.

Mục đích của truy xuất nguồn gốc dược liệu là đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Mục đích của truy xuất nguồn gốc dược liệu là đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Truy xuất nguồn gốc dược liệu là một phần quan trọng trong ngành dược phẩm. Việc truy xuất nguồn gốc của dược liệu là quá trình xác định và theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng của các thành phần dược liệu trong sản xuất dược phẩm.

Việc truy xuất nguồn gốc dược liệu hướng đến mục đích là đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng. Đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn về an toàn và bền vững trong ngành dược phẩm. Quá trình truy xuất nguồn gốc dược liệu thường bao gồm việc thu thập thông tin về nguồn gốc, phương pháp trồng trọt, thu hoạch, chế biến và vận chuyển của các thành phần dược liệu...

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh chia sẻ thêm, hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu là một hệ thống được thiết kế để theo dõi và ghi lại thông tin về nguồn gốc, quá trình sản xuất và vận chuyển của các loại dược liệu. Hệ thống này giúp đảm bảo tính chất và chất lượng của dược liệu, đồng thời đảm bảo sự minh bạch và tuân thủ các quy định về an toàn và chất lượng.

Hiện nay, hệ thống truy xuất nguồn gốc dược liệu thường sử dụng các công nghệ như mã QR, mã vạch, blockchain và hệ thống quản lý thông tin để theo dõi và xác minh thông tin về nguồn gốc và lịch trình của các loại dược liệu.

Truy xuất nguồn gốc dược liệu giúp người nuôi trồng có thể xác định được nguồn gốc của cây trồng, cách chăm sóc và quy trình thu hái đúng

Truy xuất nguồn gốc dược liệu giúp người nuôi trồng có thể xác định được nguồn gốc của cây trồng, cách chăm sóc và quy trình thu hái đúng

5 lợi ích của truy xuất nguồn gốc dược liệu

Theo PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, việc truy xuất nguồn gốc dược liệu đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, người nuôi trồng dược liệu, các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

- Đối với người tiêu dùng, truy xuất nguồn gốc dược liệu giúp người tiêu dùng biết được thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất, thành phần và hạn sử dụng của các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu. Việc truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm còn giúp người tiêu dùng xác định sản phẩm nào là hàng chính hãng, uy tín, sản phẩm nào là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó có quyết định mua hàng đúng đắn, đảm bảo quyền lợi tương xứng với số tiền bỏ ra, đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Việc truy xuất nguồn gốc dược liệu còn giúp người tiêu dùng biết được nguồn gốc của các loại dược liệu, quá trình chăm sóc, nuôi trồng, biện pháp thu hoạch... có đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

- Đối với người nuôi trồng dược liệu, việc truy xuất nguồn gốc dược liệu là quá trình theo dõi và ghi lại thông tin về nguồn gốc của dược liệu, bao gồm cây giống, con giống nuôi trồng, phương pháp trồng trọt, thu hoạch, chế biến và vận chuyển. Từ đó giúp người nuôi trồng có thể xác định được nguồn gốc của cây trồng, cách chăm sóc và quy trình thu hái đảm bảo theo các tiêu chuẩn chất lượng cao và không bị ô nhiễm.

- Đối với doanh nghiệp, việc truy xuất nguồn gốc để xác định nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, minh bạch, nâng cao uy tín doanh nghiệp, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, chứng minh sản phẩm có chất lượng tốt, thúc đẩy hoạt động mua hàng. Truy xuất nguồn gốc dược liệu còn giúp cho mọi công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản sản phẩm được theo dõi một cách chặt chẽ. Khi phát sinh sản phẩm lỗi, hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định được khâu nào gây ra sản phẩm lỗi, hư hỏng, từ đó có những biện pháp khắc phục kịp thời, giảm tối đa sự thất thoát và hư hỏng. Ngoài ra, nhờ truy xuất nguồn gốc dược liệu mà doanh nghiệp dễ dàng xác minh sản phẩm đang lưu hành trên thị trường là hàng chính hãng hay hàng trôi nổi, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng.

- Đối với các sàn thương mại điện tử, việc truy xuất nguồn gốc dược liệu gắn với sàn giao dịch thương mại điện tử đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn của các sản phẩm dược phẩm được bán trên sàn thương mại điện tử. Truy xuất nguồn gốc dược liệu giúp giúp phát hiện và ngăn chặn sự xuất hiện của hàng giả trên sàn thương mại điện tử. Từ đó giúp tăng cường sự minh bạch và tin cậy trong ngành công nghiệp dược phẩm, đảm bảo rằng người tiêu dùng mua được những sản phẩm đáng tin cậy, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.

- Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, truy xuất nguồn gốc dược liệu giúp phát hiện và ngăn chặn việc buôn lậu, làm giả hoặc sử dụng dược liệu không rõ nguồn gốc. Đồng thời, truy xuất nguồn gốc dược liệu cũng có thể giúp giám sát và kiểm soát việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên. Điều này giúp bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái, đảm bảo sự bền vững của nguồn cung cấp dược liệu. Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc dược liệu còn giúp tăng cường uy tín và cạnh tranh của quốc gia trên thị trường quốc tế. Bởi, việc đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm dược phẩm là một yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu.

3 yếu tố cần thiết để phát triển dược liệu bền vững

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho rằng, để phát triển dược liệu bền vững cần có 3 yếu tố là: chính sách luật pháp thúc đẩy vùng dược liệu phát triển, thị trường tiêu thụ dược liệu và nguồn vốn để phát triển vùng dược liệu.

Với yếu tố chính sách pháp luật, theo PGS Cảnh, khi nói đến dược liệu là đang nói đến các vị thuốc chữa bệnh trong y học cổ truyền và nguyên liệu để làm ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng dược liệu để chữa bệnh rất nhỏ, nên muốn phát triển dược liệu bền vững phải hướng đến nhu cầu sử dụng dược liệu để làm ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, nâng cao chất lượng cuộc sống… Để làm được điều đó thì cần phải có chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp…

Yếu tố thứ 2 là cần cho thị trường xuất hiện thì mới thúc đẩy phát triển dược liệu bền vững. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho rằng, muốn thị trường xuất hiện thì doanh nghiệp cần lấy con người làm trung tâm, tìm nhu cầu của con người để làm ra các loại sản phẩm phục vụ nhu cầu của con người.

Yếu tố quan trọng thứ 3 để phát triển dược liệu bền vững là nguồn vốn. Việc phát triển vùng dược liệu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tốn nhiều chi phí. Do đó, nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn khi triển khai phát triển vùng dược liệu. Việc giúp đỡ vốn cho doanh nghiệp có thể dưới dạng vay vốn dự án với giá ưu đãi.

Để hỗ trợ ngành dược liệu phát triển, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021 - 2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư, hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này được kỳ vọng sẽ thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính