Liên quan tới dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đang được lấy ý kiến, PGS.TS Tâm lý học Dương Hải Hưng - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục mà Bộ GD&ĐT mới đưa ra rất khó để thực hiện.
Bởi quy định về việc xử phạt đối với giáo viên khi xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể người học lên tới 30 triệu và đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng sẽ gây ảnh hưởng tâm lý của cả người dạy và người học.
Với người dạy, khi có quy định xử phạt như vậy sẽ làm giáo viên không thoải mái, lo sợ sẽ mắc lỗi.
Đặc biệt, việc xử phạt sẽ làm giáo viên giảm nhiệt huyết trong công việc, giảm tình yêu với nghề, giảng dạy cho xong việc để không mắc lỗi, hiệu quả giảng dạy không cao.
Còn với người học, quy định xử phạt được thực thi sẽ làm người học lên lớp không chú ý việc học hành, chỉ chăm chăm tìm lỗi, bắt bẻ thầy cô.
Điều này không chỉ làm kết quả học tập giảm sút mà còn làm cho người học có suy nghĩ và hành động thiếu tôn trọng đối với các thầy cô giáo.
Khi đến lớp học, cả người dạy và người học đều dè chừng nhau, chất lượng dạy và học sẽ giảm đi rất nhiều.
“Thực tế đã có những người dạy học có hành vi đánh đập, chửi mắng học sinh, nhưng đó chỉ là hành vi nhỏ lẻ, con sâu làm rầu nồi canh.
Từ xưa đến nay, hiện tượng thầy cô sử dụng roi để dạy trẻ (yêu cho roi cho vọt) không hiếm và cũng không phải toàn bộ đều là bạo hành trẻ.
Rất nhiều giáo viên sử dụng roi giúp học trò hiểu rõ được mọi vấn đề, phân biệt được phải trái, biết nhận ra lỗi sai… và người thầy đó được trò yêu quý, kính trọng. Trong trường hợp này, đòn roi đem lại hiệu quả giáo dục với học trò.
Vậy nên rất khó để xác định hành vi, lời nói như nào được coi là xúc phạm nhân phẩm, danh dự, thân thể người học.
Hơn nữa, nghề giáo viên cũng giống như đi làm dâu trăm họ, không thể làm vừa lòng tất cả các học trò, chỉ cần một vài học trò không vừa ý, tìm lỗi, kiện tụng sẽ ảnh hưởng đến công việc, uy tín của người dạy.
Đưa ra những hình thức xử phạt này chưa chắc đã ngăn chặn được tiêu cực xảy ra mà còn có thể dẫn tới giáo viên sợ mắc lỗi, sợ học sinh, sợ phụ huynh, không còn yêu nghề mến trẻ, không dám làm nghề…” – PGS.TS Dương Hải Hưng chia sẻ.
Nghề giáo là nghề trồng người cao quý, người học phải biết tôn sư trọng đạo, nếu người dạy học chỉ cần có hành vi không đúng ý người học là bị xử phạt thì sẽ làm nghề giáo bị hạ thấp, người học sẽ có suy nghĩ không tốt, không đúng về nghề giáo.
Nếu giáo viên làm sai đã có những quy định của luật để xử lý theo từng mức độ, giáo viên vi phạm sẽ bị kỷ luật, tạo bài học cho họ điều chỉnh hành vi.
Vì vậy, cần nên xem lại việc có nên áp dụng hình thức xử phạt theo dự thảo để tránh gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người thầy, khiến họ thu mình lại, buông xuôi hoặc hời hợt trong công việc giảng dạy.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Phạt tiền giáo viên xúc phạm học sinh: Làm giảm tình yêu với nghề, giảng dạy cho xong? tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].