Nát tay do nổ điện thoại
Bé trai 14 tuổi ở Hải Dương vào BV Trung ương Quân đội 108 trong tình trạng nát tay trái do nổ điện thoại.
Theo TS.BS Ngô Thái Hưng, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, BV Trung ương Quân đội 108, bệnh nhi bị nát bàn tay trái, vết thương dập nát da gan tay và cơ ô mô cái, sai hở lộ khối xương trụ cốt, gãy hở các xương bàn. Đầu các ngón tay nuôi dưỡng kém, dập nát 5 ngón, nát hết phần mềm.
Ngay sau khi vào viện, bệnh nhi đã được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, các ngón tay hồng…
Bác sĩ Hưng chia sẻ thêm, các dạng tổn thương do nổ điện thoại phức tạp, vì ngoài các tổn thương dập nát trực tiếp còn các tổn thương do sóng nổ. Do đó, các tổn thương này hay có hoại tử thứ phát sau phẫu thuật mà bệnh nhân cần được theo dõi tiếp.
Những lưu ý khi sử dụng điện thoại để không bị nổ điện thoại
Theo bác sĩ Hưng, gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn do nổ điện thoại khi chơi điện tử (game) trong thời gian liên tục hoặc vừa sử dụng vừa đang sạc gây cụt chi, bỏng mặt... Do đó, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, mọi người cần lưu ý những điều sau khi sử dụng điện thoại để tránh gặp sự cố đáng tiếc:
- Không nên dùng điện thoại chơi điện tử quá lâu.
- Sử dụng các loại sạc điện thoại đảm bảo chất lượng. Không sử dụng các phụ kiện không phải của chính hãng, đặc biệt là pin.
- Tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc để tránh sự cố.
- Sử dụng và bảo quản điện thoại ở nơi thoáng mát, khô ráo, vì nếu dùng thoại tại những nơi ẩm ướt, dùng điện thoại dưới mưa thì nước ngấm vào bên trong sẽ gây chập điện và làm điện thoại nổ.
- Đối với người sử dụng máy trợ thính, không nghe điện thoại ở tai đeo thiết bị trợ thính.
- Với người đeo máy điều hòa nhịp tim, nên đặt điện thoại cách máy điều hòa nhịp tim ít nhất 20 cm khi bật điện thoại. Không đặt điện thoại trong túi áo ngực. Nên nghe điện thoại bằng tai đối diện với máy điều hòa nhịp tim để giảm thiểu nguy cơ nhiễu sóng, còn nếu xảy ra tình trạng này, phải tắt điện thoại ngay.
- Tắt điện thoại ở nơi có thể gây nhiễu sóng các thiết bị y tế.
- Không để máy gần các thiết bị lưu trữ từ tính, hệ thống bơm xăng điện tử, hệ thống chống xóc điện tử, hệ thống kiểm soát tốc độ điện tử.
- Không đặt điện thoại trên túi đệm khí. Thậm chí không đặt điện thoại trên chăn bông, gối đầu, đệm, vì nó sẽ làm cho điện thoại bị quá nhiệt và dễ cháy nổ.
- Tắt điện thoại khi lên máy bay.
- Tắt điện thoại ở những khu vực dễ cháy nổ như: trạm xăng, dưới boong tàu, kho nhiên liệu, nhà máy hóa chất, nơi có mùi hóa chất hay những hạt thóc gạo, bụi hoặc bột kim loại và khu vực đang tiến hành phá nổ.
- Thường xuyên kiểm tra các thiết bị lắp đặt điện thoại trong xe, đặt điện thoại an toàn trên giá đỡ.
An AnBạn đang xem bài viết Nổ điện thoại, cần lưu ý gì khi sử dụng điện thoại để phòng tránh? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].