'Chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ!'
Bước sang tuổi 30, anh Nguyễn Văn Tuấn muốn thay đổi cuộc đời bằng những điều mơ ước mới. Nhưng chỉ sau tết dương lịch vài ngày, giấc mơ của anh đã thực sự trở thành cơn ác mộng.
Theo lời kể của bố anh Tuấn, vào lúc 15h30 ngày 4/1/2018, khi bữa liên hoan do anh Tuấn tổ chức vừa mới kết thúc, bạn bè đang cùng với anh Tuấn hát Karaoke, thì bỗng dưng xảy ra xích mích, mọi người say rượu nên mất sự kiểm soát.
Một trong số những người bạn đã dùng con dao gọt hoa quả đâm anh Tuấn đúng 3 nhát vào bụng. Vết thương bên ngoài chỉ nhỏ gọn vài centimet, nhưng tổn thương bên trong thì lại rất nghiêm trọng.
Toàn bộ tá tràng bị đứt làm đôi, đầu tụy bị rách, dạ dày bị xuyên thủng, động mạch vành vị bị đứt và chảy máu dữ dội, nhánh phải tĩnh mạch gan cũng bị đứt rời, cơ hoành bị thủng gây tràn máu tràn khí màng phổi cả hai bên.
Chỉ trong vài cái chớp mắt, anh Tuấn từ một người đàn ông đang hưởng thụ cuộc sống tươi đẹp, bỗng chuyển sang con đường vật lộn chiến đấu từng giây từng phút để giành giật mạng sống với tử thần. Thấy vết thương nghiêm trọng, bạn bè nhanh chóng đưa anh Tuấn vào Bệnh viện ĐK huyện Sóc Sơn.
Dù đang trong tình trạng sốc mất máu quá nặng, nhưng anh Tuấn vẫn kịp ngóc đầu dậy để nói với bác sĩ một câu ngắn gọn: 'Xin hãy cứu tôi'.
Bác sĩ Chuyên khoa Cấp 2 Nguyễn Văn Tụy, Trưởng khoa Ngoại của Bệnh viện, người đã giữ câu nói ấy trong đầu suốt 3 tiếng phẫu thuật. Làm thế nào để cứu được mạng sống cho một bệnh nhân quá nặng với những tổn thương quá khó?
Qua 2 ngày điều trị, mặc dù tỉnh táo nhưng hiện bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn vẫn đang ở trong tình trạng rất nặng, với những biểu hiện suy gan, suy thận và tiêu cơ vân.
Để an toàn cho bác sĩ và bệnh viện, chỉ có một cách tốt nhất là chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để giũ bỏ trách nhiệm, nhưng đó sẽ là quyết định mà bệnh nhân chắc chắn phải trả giá bằng cái chết.
Câu hỏi đã được bác sĩ Tụy chuyển nhanh đến Bác sĩ Tạ Văn Sứng, Giám đốc Bệnh viện, và ngay lập tức bác sĩ Sứng lãnh trách nhiệm tổng chỉ huy 'trận đánh' cứu người.
Chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ! Đó là câu lệnh ngắn gọn, ngắn gọn đến mức chỉ có động lệnh mà không có dự lệnh, nhưng đó là câu lệnh vô cùng ý nghĩa của Giám đốc Bệnh viện Tạ Văn Sứng, nó quyết định vận mạng của một con người.
Thời gian từ lúc bệnh nhân vào viện cho đến khi mở ổ bụng, chỉ vỏn vẹn đúng 15 phút. Các y bác sĩ ngay lập tức lao vào cuộc chiến, họ truyền đến 10 đơn vị máu, nhờ những nỗ lực của đội phẫu thuật và hồi sức, cùng với những anh hùng hiến máu, ca mổ đã thành công.
Máu được huy động từ chính nhân viên y tế và người đặc biệt
Suốt thời gian phẫu thuật 3 tiếng đồng hồ, anh Tuấn được truyền tổng cộng 10 đơn vị máu. Bình thường, các đơn vị máu này sẽ được lấy từ ngân hàng máu ở Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, do những người tình nguyện hiến tặng.
Trường hợp tối cấp cứu như của anh Tuấn, có một sự thật rất đơn giản, là tình trạng mất máu quá nặng làm cho anh Tuấn không có cơ hội đợi chờ máu từ ngân hàng mang đến.
Và còn có thêm một sự thật oái oăm nữa, là kết quả xét nghiệm anh Tuấn thuộc nhóm máu hiếm AB, nếu truyền nhóm máu khác với số lượng nhiều sẽ rất nguy hiểm, nên bắt buộc phải truyền cùng nhóm.
Vậy làm thế nào để anh Tuấn có đủ máu truyền và được cứu sống? Là bác sĩ, bất cứ ai cũng sẽ hiểu, rằng máu là hiện thân của bi kịch dẫn đến cái chết, nếu như nó không được cung cấp đầy đủ, không đúng chủng loại và không đúng thời điểm.
Ý thức được điều đó, nên ngay sau khi ra quyết định đẩy bệnh nhân lên phòng mổ, bác sĩ Tạ Văn Sứng đã xác định máu là chìa khóa cứu bệnh nhân khỏi lưỡi hái của tử thần.
Và anh đã thông báo cho tất cả các khoa phòng, kêu gọi nhân viên tình nguyện đến làm xét nghiệm, tìm ra những người có nhóm máu AB đạt tiêu chuẩn đủ truyền được.
Chỉ sau đó vài phút, các y bác sĩ tạm ngừng công việc, họ đổ dồn về khu xét nghiệm. Các nhân viên khoa huyết học đã căng mình làm việc, vậy mà chỉ tìm được đúng 2 đồng nghiệp cùng nhóm máu AB.
Một anh lái xe cứu thương của bệnh viện nghe thông tin bệnh nhân cần máu, anh cũng rủ mọi người đến thử xét nghiệm, kết quả thật bất ngờ, anh trở thành người thứ 3 có nhóm máu hiếm AB, đủ tiêu chuẩn hiến cho bệnh nhân.
Tôi hỏi Giám đốc Tạ Văn Sứng tên của từng người để ghi vào bài viết này. Anh Sứng chỉ nói với tôi rằng, rất nhiều người thử và mong mình được nằm trong số hiến máu, nhưng chỉ có 3 người tất cả, chắc chắn không ai trong số đó muốn được nêu tên để tuyên dương.
Cũng theo lời bác sĩ Sứng, dù người hiến máu hay không được hiến máu, thì họ đều là những anh hùng nhưng không ai muốn người khác biết đến trong thế giới y khoa; bởi họ hiểu hơn ai hết, mỗi giọt máu mà họ cho đi, là sẽ có thêm một cơ hội sống.
Có một chị đi chăm bệnh nhân, khi biết anh Tuấn đang cần truyền số lượng máu lớn, lại thuộc nhóm máu hiếm, nên chị đã tình nguyện, kết quả xét nghiệm của chị cũng thuộc nhóm máu AB.
Cũng giống như các y bác sĩ của BVĐK Sóc Sơn, chị không có họ hàng hay thân quen gì với anh Tuấn, nhưng chị biết máu là thứ tài nguyên quý giá nhất, nó có khả năng cứu sống con người chỉ bằng một hành động đơn giản là hiến máu.
Tôi hỏi bố bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn, rằng ông có biết những ai hiến máu cho con trai hay không? Ông trả lời là gia đình cũng cố hỏi, nhưng không ai nhận, chỉ biết có mấy anh chị mặc áo trắng, một bác lái xe, cùng một chị người nhà bệnh nhân.
Bố bệnh nhân muốn được gửi lời cám ơn tới những người đã hiến máu, cám ơn những giọt máu đã cứu vớt những điều tốt đẹp của cuộc sống, nó giúp con ông có thêm cơ hội để hồi sinh trở lại.
Sự kịp thời của bệnh viện tuyến trên
Cuộc chiến cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn Tuấn diễn ra đúng như kịch bản của một bộ phim hành động. Bác sĩ Tạ Văn Sứng đã nói cho tôi biết, rằng bệnh viện đã từng cứu sống những bệnh nhân khó, sốc nặng, thậm chí ngừng tuần hoàn.
Nhưng không vì thế mà anh và các đồng nghiệp của mình được phép chủ quan.Ngay sau khi ra lệnh chuyển bệnh nhân lên phòng mổ, bác sĩ Sứng đã gọi điện trực tiếp qua đường dây nóng, xin viện trợ khẩn cấp một ê kíp phẫu thuật và hồi sức cấp cứu từ Bệnh viện Đa khoa Saint Paul.
Đúng 15 phút sau, tổ cấp cứu cơ động lên chiếc xe cứu thương, hú còi tối đa, kiên nhẫn mà khẩn trương rẽ đám đông ùn tắc trên đường phố, lao ra ngoại thành phía Bắc của Hà Nội để làm nhiệm vụ khẩn cấp.
Phụ trách ê kíp phẫu thuật là bác sĩ Ôn Quang Phóng, ê kíp gây mê hồi sức là bác sĩ Vũ Văn Khâm. Cả hai bác sĩ đều bất ngờ, bởi họ hiểu với ca bệnh khó như thế thì ngay ở những bệnh viện lớn cũng sẽ rất bối rối. Nhưng các bác sĩ ở BVĐK Sóc Sơn chỉ mất đúng 15 phút để đưa bệnh nhân lên bàn mổ, họ đã xử trí rất thuần thục, các tổn thương về căn bản đã được giải quyết.
Nhờ những sợi chỉ vi phẫu và sự hỗ trợ nhân lực từ Bệnh viện Saint Paul, những mạch máu đứt rời cũng đã được nối lại hoàn thiện, dòng máu đỏ lại tiếp tục chảy trong lòng huyết quản.
Đợi đến 23h40 phút ngày 4/1/2018, khi mạch và huyết áp của anh Tuấn đã duy trì ổn định, các bác sĩ đã quyết định chuyển anh Tuấn về Bệnh viện Saint Paul để tiếp tục hồi sức.
Qua 2 ngày điều trị, mặc dù tỉnh táo nhưng hiện anh Tuấn vẫn đang ở trong tình trạng rất nặng, với những biểu hiện suy gan, suy thận và tiêu cơ vân.
Để giành giật được sự sống, anh Nguyễn Văn Tuấn và các bác sĩ hồi sức cấp cứu vẫn còn phải đi thêm một chặng đường rất dài và vô cùng khó khăn khi luôn phải vật lộn với tử thần.
Bản thân tôi tiếp cận bệnh nhân và theo dõi ở góc độ bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, cả đêm qua mất ngủ vì tình trạng suy gan suy thận của anh Tuấn.
Vừa hội chẩn với bác sĩ Vũ Văn Khâm, chúng tôi ngoài chuyên môn đang và sẽ cố gắng hết sức, thì tôi chỉ biết cầu mong mọi điều tốt đẹp kì diệu sẽ đến với bệnh nhân.
Bác sĩ Trần Văn PhúcBạn đang xem bài viết Những anh hùng không muốn được ghi tên trong ngành y tế tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].