Đó là chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trên facebook cá nhân của mình về nỗi vất vả của các bác sĩ và những hệ lụy về sức khỏe có thể đến với họ khi thực hiện công việc cứu người cao cả.
Gia Đình Mới xin đăng tải lại bài viết ‘Y học là lao động của tình yêu’ của bác sĩ Trần Văn Phúc:
‘Nếu y học thực sự là lao động của tình yêu, thì lương bác sĩ sẽ phải là một cuộc sống vô cùng hạnh phúc!
Là một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, tôi không có gì ngạc nhiên khi thấy các đồng nghiệp của mình, những bác sĩ thực hành siêu âm mà nhiều người trong số họ bị tổn thương vì quá yêu công việc.
Để siêu âm một bệnh nhân, chúng tôi phải trườn trên cơ thể người bệnh, trong khi tay phải cầm một đầu dò cồng kềnh quét những góc quay khó đến 90 độ, tay trái lướt trên bàn phím điều chính các nút chức năng, mắt dán vào màn hình quan sát các lát cắt liên tục thay đổi, đầu không ngừng suy nghĩ và phân tích, miệng liên tục hỏi bệnh và giao tiếp.
Với khối lượng công việc như thế, hầu hết các bác sĩ siêu âm bị tổn thương vùng cột sống, cổ, vai, cánh tay và cổ tay với tốc độ giật mình.
Qua nhiều năm thực hiện thực công việc, các bác sĩ siêu âm sẽ phải đối diện với các bệnh lí về cơ xương.
Một cuộc khảo sát 3000 bác sĩ siêu âm mạch máu ở Mỹ, do SDMS thực hiện, kết quả 90% bác sĩ bị mắc bệnh nghề nghiệp.
Hàng loạt các nghiên cứu khác cũng cho ra các kết quả tương tự. Trung bình một bác sĩ siêu âm mạch máu phải khám 9 – 11 bệnh nhân mỗi ngày, có bác sĩ phải làm tới 14 bệnh nhân.
Công việc đòi hỏi bác sĩ siêu âm phải hi sinh cơ thể mình. Rất ít bác sĩ phải miễn cưỡng nghỉ ngơi khi quá mệt mỏi. Nhưng tất cả những bác sĩ đau đớn đều trả lời rằng họ không hề chán nản với công việc.
Bác sĩ khám bao nhiêu bệnh nhân mỗi ngày?
Đó là một câu hỏi rất khó để trả lời. Nó liên quan tới thách thức công việc và trách nhiệm tài chính, làm cho các nhà quản lí tìm cách tối đa hóa sử dụng thiết bị và nhân lực, trong khi các bác sĩ siêu âm phải đối mặt với nguy cơ stress và các rối loạn thể chất.
Theo tài liệu CQI ban hành năm 1995, đề xuất mỗi ca siêu âm mạch máu thông thường cần làm từ 45 – 60 phút, để đảm bảo bệnh nhân có một cuộc kiểm tra tốt.
Các dữ liệu khảo sát năm 2010 của ASE cho thấy mỗi bác sĩ siêu âm trung bình khoảng 6 bệnh nhân Doppler mạch máu, thường không vượt quá 8 bệnh nhân ngày mỗi ngày.
ASE khuyến cáo, để đảm bảo chất lượng, một ca siêu âm thông thường khoảng 45 – 60 phút, thêm 15 – 30 phút với những trường hợp phức tạp.
Đấy là siêu âm Doppler mạch máu. Còn siêu âm thường thì sao? Cuộc điều tra năm 2000 cũng vẫn do SDMS thực hiện, với câu hỏi ‘Mỗi ngày bác sĩ siêu âm bao nhiêu bệnh nhân?’ - và đây là một vài số liệu:
- Từ 01 đến 05 ca: có 11,5%
- Từ 06 đến 10 ca: có 52,5%
- Từ 11 đến 15 ca: có 31%
- Từ 16 đến 20 ca: có 5%
- Trên 20 ca: không bác sĩ nào làm nổi.
Khảo sát cho thấy, có tới 83,5% bác sĩ siêu âm 6 – 15 bệnh nhân mỗi ngày. Nhưng điều tôi quan tâm sau những con số ấy là mức lương của bác sĩ.
Và đây là Dữ liệu Quốc gia về Lương trong năm 2016:
- Tiểu bang Alabama trả lương thấp nhất: 211 đô la mỗi ngày, tương đương 4.800.000 VNĐ.
- Tiểu bang California trả lương cao nhất: 359 đô la mỗi ngày, tương đương 8.100.000 VNĐ.
- Lương trung bình: 275 đô la mỗi ngày, tương đương 6.200.000 VNĐ.
Bác sĩ Việt Nam làm thế nào?
Từ trước đến nay, ở những bệnh viện lớn, mỗi ngày bác sĩ làm khoảng 25 – 30 bệnh nhân siêu âm mạch máu, hoặc khoảng 80 – 100 bệnh nhân siêu âm tổng quát; rất nhiều hôm bác sĩ không có thời gian đi vệ sinh.
Với số lượng bệnh nhân nhiều như thế, bác sĩ không chỉ đối diện với bệnh lí cơ xương, mà còn bị Stress nặng vì công việc, sai sót chuyên môn cũng là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng vì áp lực phải giải quyết bệnh nhân, không còn cách nào khác là bác sĩ phải nhắm mắt vượt qua.
Quyết định Số 3959/QĐ-BYT đã thay đổi lại tất cả:
- Ê kíp siêu âm gồm 03 người: 1 bác sĩ, 1 kĩ thuật viên, 1 nhân viên gián tiếp.
- Mỗi ca siêu âm: thực hiện 15 phút.
- Tổng số ca siêu âm tối đa mỗi ngày: 32 ca.
Nhiều người hỏi tôi bài toán
Bệnh viện mua máy siêu âm cấu hình trung bình với giá 1 tỉ đồng. Mỗi ca siêu âm 49.000 đồng. Hỏi sau khi trừ tất cả chi phí, bệnh viện có đủ tiền để trả công cho ê kíp 3 nhân viên thâm niên công tác 15 năm?
Và đây là lời giải của tôi
Các chi phí tối thiểu cho một ca siêu âm gồm:
- Chi phí vật tư tiêu hao = 3%
- Chi phí điện nước hậu cần = 6%
- Chi phí bảo dưỡng thiết bị = 4%
- Chi phí đào tạo, quản lí, đánh máy, tiếp đón = 5%
- Chi phí vệ sinh môi trường = 2%
- Chi phí rủi ro = 3%
- Chi phí phát sinh = 2%
- Khấu hao thiết máy chu kì 8 năm = 32%
Tổng chi phí cho một ca siêu âm = 57% x 49.500 = 27.930 VNĐ
Số tiền còn dư trong ngày = (49.000 - 27.930) x 32 = 674.240 VNĐ
Mỗi tháng bệnh viện có = 13.597.100 VNĐ
Lương bác sĩ là 4.588.000 VNĐ + Lương KTV cao đẳng là 4.910.500 VNĐ + Lương y tá trung cấp là 3.749.000 = 13.247.500. Như vậy bệnh viện vừa đủ tiền để trả.
Tôi rất ủng hộ Quyết định Số 3959/QĐ-BYT khi cắt giảm đáng kể khối lượng công việc, để bác sĩ Việt Nam chỉ còn phải làm gấp 2 – 3 lần bác sĩ Mỹ.
Nhưng tôi lại không ủng hộ, khi mà giá dịch vụ một ca siêu âm chỉ có 49.000 đồng, để thu nhập cả tháng của bác sĩ Việt Nam chỉ bằng hơn một nửa ngày công lao động của bác sĩ Mỹ.
Tôi cho rằng, lương không chỉ đơn thuần là để cho bác sĩ chi trả vào những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, mà đó còn là một phương tiện giúp hoàn thành tiềm năng của cả một hệ thống y tế.
Khi đồng lương bác sĩ đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc, thì y học sẽ thực sự là lao động của tình yêu!'.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Khi lương bác sĩ đảm bảo cuộc sống hạnh phúc, y học sẽ thực sự là lao động của tình yêu! tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].