Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Nhiều trẻ nhỏ nhiễm vi khuẩn gây ung thư dạ dày từ thói quen này của cha mẹ

Những thói quen không tốt của cha mẹ làm nhiều trẻ bị nhiễm vi khuẩn gây ung thư dạ dày. Cha mẹ nên bỏ ngay để không gây hại cho con trẻ.

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật về tình trạng nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) trong hộ gia đình, thực hiện trong năm 2018, với hơn 900 người thuộc 362 hộ gia đình cho thấy, tỷ lệ nhiễm HP trong hộ gia đình là 85,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 9 tuổi nhiễm vi khuẩn này lên đến 96,2%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhiễm HP trung bình trong cộng đồng (55 - 75% dân số).

  Trẻ bị các bệnh về dạ dày thường có biểu hiện như đau bụng, đầy hơi, ợ chua, buồn nôn... Ảnh minh họa

Trẻ bị các bệnh về dạ dày thường có biểu hiện như đau bụng, đầy hơi, ợ chua, buồn nôn... Ảnh minh họa

Vi khuẩn HP nhiễm do thói quen sinh hoạt

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, kết quả nghiên cứu trên cho thấy trẻ em là đối tượng bị nhiễm HP cao nhất, đặc biệt trong các gia đình có người thân của trẻ nhiễm HP.

Tỷ lệ đó hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ ở các nước phát triển, vì trẻ em là đối tượng nhiễm HP rất thấp, chiếm 20%, trong khi 80% nhiễm HP là người lớn.

Theo GS.TS Đào Văn Long, Nguyên trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ nhiễm HP có thể do thói quen sinh hoạt không tốt của người lớn như: dùng chung chén đũa, vật dụng trong gia đình; tiếp xúc (hôn trẻ); vệ sinh và tầm soát bệnh chưa được chú trọng.

Các chuyên gia tiêu hóa cũng cho biết thêm, vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày chứ không phải cứ có khuẩn HP là bị ung thư dạ dày. Tuy nhiên, vi khuẩn HP chính là yếu tố gây ra viêm loét dạ dày và bệnh cứ tái đi tái lại.

Tổ chức ung thư quốc tế cũng xem như HP là thủ phạm số 1 gây ra ung thư dạ dày và khuyến cáo không có HP sẽ giảm ung thư dạ dày.

  Nhai cơm mớm cho trẻ làm trẻ dễ nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn. Ảnh minh họa

Nhai cơm mớm cho trẻ làm trẻ dễ nhiễm vi khuẩn HP từ người lớn. Ảnh minh họa

Vi khuẩn HP lây nhiễm sang trẻ như thế nào?

Điều đáng nói là vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm, đặc biệt trẻ em bằng nhiều cách khác nhau như ăn thực phẩm không được làm sạch, không được nấu chín kỹ, uống nước bị nhiễm khuẩn, không rửa tay trước khi ăn, tiếp xúc nước bọt: hôn, dùng chung đồ ăn hoặc bàn chải đánh răng với người nhiễm vi khuẩn HP.

Trong môi trường nhà trẻ mẫu giáo, nếu không đảm bảo vệ sinh ăn uống và các vật dụng dùng chung cũng có thể khiến trẻ nhiễm HP; hoặc trẻ có thể nhiễm khi vui đùa bị bắn nước bọt từ người nhiễm HP. Trẻ cũng có thể nhiễm vi khuẩn này do ăn uống ở hàng quán không đảm bảo vệ sinh.

Hơn nữa, hệ miễn dịch của trẻ em còn rất yếu vì vậy rất dễ lây nhiễm và khi bị nhiễm sẽ diễn biến bệnh rất nhanh. Vi khuẩn HP là một trong các nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm, loét dạ dày, tá tràng.

Khi trẻ bị các bệnh về dạ dày thường có biểu hiện như đầy hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn, ăn mất ngon, sụt cân, nôn ra máu hoặc phân đen (do xuất huyết trong dạ dày hoặc tá tràng). Cha mẹ cần hết sức lưu ý những biểu hiện của trẻ và đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ đồ dùng cá nhân của con, không dùng chung muỗng, thìa, bát,…thực hiện ăn sạch, uống sạch, vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Đặc biệt tránh nhai cơm, hôn trẻ vì đó là con đường lây nhiễm vi khuẩn HP nhanh nhất.

Lê Minh

Tin liên quan

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính