Thực tế thăm khám và điều trị cho các bệnh nhi, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai gặp nhiều trường hợp các mẹ than phiền rằng, khi con bị sổ mũi, nghẹt mũi, dù đã thường xuyên rửa mũi cho con nhưng bệnh mãi không khỏi. Với những trường hợp này, bác sĩ Dũng luôn nhấn mạnh: “Đó là cách làm sai. Rửa mũi cho con như vậy không những con không khỏi bệnh mà còn làm bệnh dai dẳng hơn, tình trạng viêm thêm nặng hơn”.
Nói rõ hơn về quan điểm của mình, PGS Nguyễn Tiến Dũng cho hay, về mặt khoa học, người ta xác minh một số trường hợp rửa mũi là tốt. Tuy nhiên, phải quan sát thực tế các mẹ rửa mũi cho con như thế nào? Và sau khi quan sát các mẹ rửa mũi cho con thì vị chuyên gia này khuyên rằng, với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì cha mẹ không nên rửa mũi cho con.
Nguyên nhân là do, khi các mẹ dùng một lọ rửa mũi và một dụng cụ rửa mũi từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác khiến trong đó có một ổ vi khuẩn. Cách tiệt trùng của các mẹ chỉ là đun nước sôi rồi ngâm dụng cụ vào thì không thể giết chết vi khuẩn. Dùng dụng cụ chứa nhiều vi khuẩn để vệ sinh mũi cho con thì khác gì nhét vi khuẩn vào mũi con. Cách làm đó của mẹ cứ tưởng là tốt cho con nhưng thực tế là lại hại con.
“Có những trẻ được tôi chữa cho gần khỏi hoặc khỏi rồi thì về nhà mẹ lại vật con ra rửa mũi, vệ sinh mũi với suy nghĩ là để con khỏi hẳn, phòng bệnh cho con. Vậy là, đứa trẻ đang khỏe lại bị lây con vi khuẩn, virus khác từ dụng cụ hút mũi và lại sinh bệnh. Thực tế thăm khám cho trẻ tôi nhận thấy, càng những trẻ được cha mẹ rửa mũi nhiều thì càng chữa mãi không khỏi.
Nhiều cha mẹ cũng nói với tôi rằng, họ đọc sách thấy bảo rửa mũi cho con là tốt, nhưng sách lại không dạy các mẹ rửa như thế nào là đúng, không chú ý khâu vô khuẩn. Mà khâu vô khuẩn lại là khâu mấu chốt của vấn đề. Với điều kiện kinh tế của người dân Việt Nam hiện nay thì các mẹ không thể dùng các dụng cụ đó 1 lần rồi vứt đi mua dụng cụ khác được.
Vì thế, trên cơ sở cân bằng giữa cái lợi và cái hại thì tôi thấy cách rửa mũi mà hiện nay nhiều người đang làm thì hại nhiều hơn lợi. Vậy nên tôi khuyên không nên rửa mũi cho trẻ. Nhất là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường thì không nên xịt rửa mũi hàng ngày cho con. Trẻ không ốm cứ để cái mũi nguyên xi, không phải làm bất cứ điều gì cả”. – bác sĩ Dũng nói.
Còn nếu các mẹ vẫn thích rửa mũi cho con thì vị chuyên gia này khuyên, nên chọn các loại nước muối biển xịt mũi cho trẻ. Dùng loại xịt nhẹ nhàng như vậy sẽ không sợ tổn thương niêm mạc mũi của trẻ. Sau khi xịt dung dịch nước muối biển vào mũi, trẻ con hắt hơi hoặc chảy dịch ra ngoài thì lau bên ngoài. Phần đọng lại bên trong không cần phải cố hút ra, nó sẽ chảy xuống họng và trẻ nuốt vào bụng hoặc tự nhổ ra.
Ngoài ra, nhiều mẹ cứ nghĩ rằng, khi cho con đi ra ngoài đường chơi, không khí ngoài đường nhiều khói bụi nên về nhà là phải rửa mũi cho trẻ. Bác sĩ Dũng khuyến cáo, các mẹ không cần thiết phải làm như vậy. Bởi mũi của con người là cơ quan làm sạch rất tốt, chúng ta hít phải bụi bặm vào mũi thì nó sẽ tự tiêu đi. Virus, vi khuẩn vào đến mũi thì lại bị đào thải ra theo cơ chế tự đào thải của cơ thể.
Phản ứng chảy nước mũi cũng vậy, không phải cứ chảy nước mũi là có hại, có nhiều lúc chảy nước mũi là có lơi. Khi chảy nước mũi là cơ thể đang huy động bạch cầu, các chất miễn dịch ngay tại chỗ để loại bỏ virus, vi khuẩn ra khỏi cơ thể để không gây bệnh. Vậy nên, thay vì cứ suốt ngày rửa mũi cho con, cha mẹ hãy giúp con tăng đề kháng qua chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, vận động để giúp con luôn khỏe mạnh, chống lại bệnh tật.
An AnBạn đang xem bài viết Nhiều cha mẹ đang mắc sai lầm trong việc rửa mũi cho con khiến trẻ bị bệnh dai dẳng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].