Vừa qua, bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận hai ca bệnh là anh em trai ruột( 15 và 11 tuổi), chẩn đoán suy thượng thận do dùng thuốc xịt mũi có thành phần chứa corticoid.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trong 3 năm gần đây, do bị viêm mũi dị ứng, hai anh em đã liên tục dùng thuốc xịt mũi H.
Hiện tại, cả hai anh em có kiểu hình béo phì, BMI ở mức 36,22 ở người anh và 32,1 đối với người em. Hai anh em người bệnh đều có gương mặt tròn, rậm lông, làn da mỏng, rạn da bụng và đùi màu tím đỏ, phù hai chi dưới, kiểu hình Cushing rõ rệt.
Trước khi nhập viện 10 ngày, người bệnh đi khám dinh dưỡng, phát hiện cortisol máu thấp, được bác sỹ tư vấn ngừng xịt thuốc xịt mũi. Sau khi ngừng thuốc, người bệnh xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, chướng bụng.
Do vậy người nhà đã đưa hai anh em đến bệnh viện Nội tiết Trung ương thăm khám và điều trị.
Chuyên gia cho biết: để phòng ngừa hội chứng Cushing, người bệnh nên lưu ý luôn sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng quá nhiều thuốc chứa steroid trong thời gian dài. Các thuốc không được bác sĩ kê toa (kể cả thuốc đông y) trong điều trị các bệnh lý xương khớp, hoặc thuốc trị cảm ho, sổ mũi, viêm xoang… có tác dụng kháng viêm, giảm đau mạnh đều có nguồn gốc từ corticoid. Do đó, nếu bệnh nhân tự ý mua về dùng một cách tùy tiện không theo sự kiểm soát chặt chẽ của bác sĩ, rất dễ gây ra hội chứng giả Cushing.
Một số lưu ý cần chú ý khi sử dụng thuốc xịt mũi:
Khi sử dụng thuốc về liều lượng, thời gian dùng thuốc xịt mũi đều phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.Khi sử dụng các thuốc co mạch như naphazolin, oxymetazolin...để điều trị triệu chứng nghẹt mũi sẽ thấy tác dụng rất nhanh, tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc dùng thuốc xịt mũi kéo dài.
Bởi vì khi dùng kéo dài sẽ gây ra một số biến chứng như:Gây kích ứng niêm mạc mũi, làm giảm đáp ứng của thuốc co mạch với cuốn mũi. Thuốc sẽ không tác dụng tốt như ban đầu khi thực sự cần thiết. Dùng lâu có thể gây những tác dụng phụ toàn thân như: Tăng huyết áp, hồi hộp lo lắng, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tăng nhịp tim hoặc nhịp chậm phản xạ.
Nên rất cẩn trọng với những bệnh nhân có bệnh mạn tính như bệnh lý mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, cường giáp trạng.
Thuốc co mạch không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai thì chưa có bằng chứng an toàn khi sử dụng nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.Các loại thuốc xịt mũi kháng histamin thì có thể dùng kéo dài hơn, những nhóm thuốc này gây ra tác dụng phụ hay gây buồn ngủ và không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi.
Khi xịt thuốc tránh để đầu phun của chai xịt chạm vào bên trong mũi, vì nếu chạm có thể gây nhiễm khuẩn. Không sử dụng thuốc xịt mũi chung với bất kỳ ai.
Khi có các dấu hiệu bất thường như chảy máu cam, đau rát nhiều khi dùng thuốc xịt mũi cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để tìm nguyên nhân và xử lý.
V.LinhBạn đang xem bài viết Lạm dụng thuốc xịt mũi, cả hai anh em bị suy tuyến thượng thận, bác sĩ Nội tiết cảnh báo tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].