Vô tư xơi thức ăn bẩn từ nhà ra phố
TS.BS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, trước thực trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm công nghiệp, thức ăn đường phố tràn ngập như hiện nay sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đường tiêu hóa, bệnh mạn tính.
Dân gian ta có câu “bệnh do khẩu nhập”, có nghĩa là ăn không sạch nên dễ rước bệnh vào người. Nhiều người cứ nghĩ ăn cơm ở nhà do người thân hoặc tự tay mình nấu là đảm bảo sạch. Điều này là chưa hoàn toàn đúng, bởi chỉ có quy trình chế biến sạch mà nguồn thực phẩm không sạch thì cũng không đảm bảo việc ăn sạch, uống sạch.
Hay như khi quy trình chế biến của người nấu sạch nhưng cách bảo quản đồ ăn chưa đúng, tiếc thực phẩm còn từ hôm trước đem ra ăn mà không hâm nóng, đun lại thì đó cũng không phải là ăn sạch.
Chính vì ăn uống tùy tiện, không chú trọng chọn lựa thực phẩm sạch cho bữa cơm gia đình mà không ít người gặp phải tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, thậm chí mắc bệnh dù suốt ngày ăn cơm nhà.
Bữa ăn trong gia đình nhỏ cũng khó đảm bảo được ăn sạch thì bữa ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp để đảm bảo sạch cũng vô cùng khó.
Và gần đây, không ít bếp ăn trong trường học bị lên án vì cung cấp bữa ăn không an toàn thực phẩm, thậm chí gây ngộ độc hoặc có thể tác động rất xấu tới sức khỏe, tinh thần học sinh. Vì tham lợi ích, không ít đơn vị cung cấp bữa ăn cho nhà trường không chỉ có hành vi bớt xén khẩu phần mà còn đang tâm “thẩm lậu” vào bếp ăn cả thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng.
Tiếp đến là muôn vàn thực phẩm được bày bán ngoài chợ mà người mua sẽ không thể tìm thấy nơi sản xuất, thời gian sản xuất hay hạn sử dụng in trên bao bì. Khi chọn mua thực phẩm, hầu hết khách hàng hoàn toàn mơ hồ về nguồn gốc của thực phẩm, thậm chí không rõ về cả những nguyên liệu hay phụ gia để làm thực phẩm.
Những thông tin về thực phẩm có sử dụng chất hóa học đã không còn xa lạ gì tại các khu chợ. Những loại chất hóa học độc hại được các tiểu thương vô tư bơm vào thịt, cá, tôm, dùng hóa chất ngâm tẩy rửa măng, hay dùng hàn the tạo độ dai giòn trong giò, bún...
Bên cạnh thực phẩm tươi sống là những đồ ăn chín, chế biến sẵn được bày bán trong chợ, quán cóc ven đường cũng rất khó kiểm soát về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và gây nguy hại không kém cho người tiêu dùng.
Mặc dù thức phẩm bần tràn lan từ nhà ra phố nhưng với tâm lý khuất mắt trông coi và một phần do bất đắc dĩ mà rất nhiều người dân Việt vẫn đang vô tư ăn các loại thực phẩm này hàng ngày.
Thường xuyên ăn thực phẩm bẩn, nhẹ thì ngộ độc cấp, nặng thì ngộ độc mạn tính
Với thói quen ăn uống tùy tiện của người Việt, ăn uống thiếu khoa học, thường xuyên dung nạp thực phẩm bẩn vào cơ thể không những gây ngộ độc cấp tính (tiêu chảy) mà còn gây ngộ độc mạn tính (tích tụ bệnh cho người ăn, dễ gây ung thư).
Nói về vấn đề ngộ độc cấp tính, TS Từ Ngữ cho biết thêm, với thói quen ăn uống vỉa hè, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay thì việc ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn, thực phẩm ôi thiu, thực phẩm bẩn… và dẫn đến đau bụng, tiêu chảy là rất dễ xảy ra.
“Bản thân tôi khi làm việc nhà, cũng có những lúc mệt, những lúc vội vã làm tôi lau nhà, quét nhà chưa sạch, rửa vài cái bát, cốc chén vẫn còn bết bẩn.
Đó là tôi rửa số lượng ít, vài cái bát trong một bữa cơm và lau dọn căn nhà nhỏ mà còn làm không sạch thì những người làm quán ăn, ngày phải rửa hàng bao nhiêu bát đĩa, cốc chén, rau củ, lau dọn cửa hàng… thì đòi hỏi sạch cũng rất khó.
Và để dụng cụ chế biến, chứa đựng đồ ăn bớt cảm giác dính dớp bẩn thỉu, khách hàng nhìn vào thấy “sạch” thì họ phải cho rất nhiều hóa chất, chất tẩy rửa, như vậy những đồ vật đó có đảm bảo sạch hay không mọi người đều tự có câu trả lời của mình” – TS Từ Ngữ chia sẻ.
Tình trạng ngộ độc cấp tính thường xảy ra sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu… Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1 - 2 ngày sau khi ăn.
Ngộ độc thực phẩm nặng thì có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh. Khi chẳng may bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có các biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc.
Còn nói về vấn đề ngộ độc mạn tính, vị chuyên gia dinh dưỡng này lý giải, nhiều người cũng nói rằng họ ăn mãi thức ăn vỉa hè mà không bị đau bụng, tiêu chảy nên chẳng có gì đáng sợ.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên ăn thực phẩm không sạch thì dù không có biểu hiện ngộ độc ngay nhưng các chất độc hại vẫn tích tụ trong cơ thể và gây ra các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bệnh gout, đau nhức xương khớp, các bệnh đường tiêu hóa...
Nguy hiểm hơn là các chất độc tích tụ trong cơ thể sau này dễ bị ung thư, nhất là những thực phẩm bị ô nhiễm do hóa chất bảo quản hoặc là do các chất bảo vệ thực vật. Các chuyên gia ung bướu cũng chỉ ra rằng, bệnh ung thư không chừa một ai và một trong những nguyên nhân làm cho ngày càng nhiều người mắc bệnh ung thư là lối sống thiếu khoa học, thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn quá nhiều thức ăn chế biến sẵn, thức ăn có chứa chất bảo quản, hóa chất độc hại...
“Ngày nào cũng ăn đồ đường phố thì chắc chắn có hại cho sức khỏe. Những người thích ăn thức ăn đường phố thì hãy coi chừng việc chúng ta ăn như vậy sẽ mang lại những tác hại khôn lường cho sức khỏe sau này” – TS Từ Ngữ khẳng định.
Ăn uống thế nào để đẩy lùi bệnh tật?
Cách phòng ngừa và đẩy lùi bệnh tật hiệu quả nhất là hình thành thói quen ăn sạch, uống sạch, ở sạch và xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học.
Ăn uống “sạch” nó bao gồm thực phẩm, quá trình chế biến thực phẩm và thực phẩm công nghiệp. Người tiêu dùng phải hiểu là thực phẩm mình ăn có bị ô nhiễm không, ô nhiễm như thế nào, ô nhiễm cái gì.
Bên cạnh đó còn phải quan tâm đến dụng cụ dùng để chứa đựng thực phẩm. Ăn “sạch” là ăn thức ăn lành tính, bữa ăn lành tính, không gây bệnh, không gây rối loạn chuyển hóa và làm cho sức khỏe tốt lên.
Như vậy, để đảm bảo ăn uống sạch cần chú ý các yếu tố: thực phẩm sạch, người chế biến thức ăn phải đảm bảo vệ sinh trong khi chế biến, công cụ chứa đựng thức ăn phải sạch và thời gian chế biến, thời gian dùng bữa hợp lý, hấp thụ được dưỡng chất một cách tốt nhất.
Ngoài ra, để có cơ thể khỏe mạnh thì phải đảm bảo bữa ăn đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Vậy nên, bữa ăn khoa học phải có cơm (bún, phở, mì, bánh mì,...): bột đường cung cấp năng lượng; Rau cung cấp vitamin và khoáng chất; Món mặn cung cấp chất đạm béo; Canh cung cấp nước.
Lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng Từ Ngữ là ăn đa dạng thực phẩm. Để hạn chế thuốc trừ sâu, bảo quản trong rau củ quả thì nên chọn mùa nào thức đấy, rau quả nào chính vụ thì ăn, vì càng trái vụ thì càng phải dùng nhiều thuốc trừ sâu. Chọn rau đúng vụ mà vẫn lo ngại hóa chất thì có chọn ăn các loại rau củ, rau quá có vỏ và gọt vỏ bỏ đi.