Các bác sĩ BV Lão khoa Trung ương khuyến cáo, để ông bà, bố mẹ luôn khỏe mạnh, các con cháu cần chú ý những điều sau khi chăm sóc người cao tuổi.
1. Người già cần được ăn uống điều độ
Người cao tuổi nên tránh ăn quá no, đặc biệt buổi tối trước khi đi ngủ. Nhất là những người mắc các bệnh về tim mạch, tiêu hóa thì càng phải chú ý ăn uống điều độ để không ảnh hưởng đến sức khỏe. Kể cả trong những ngày lễ tết cũng không nên ăn quá mức bình thường. Người cao tuổi nên sinh hoạt điều độ, ăn, ngủ đúng giờ, từ đó giúp làm chậm quá trình lão hóa và duy trì cân nặng hợp lý.
2. Chế biến món ăn phù hợp với người già
Chế biến các món ăn hỗn hợp có bổ sung gia vị nhằm kích thích người già ăn ngon miệng. Lưu ý, khi chế biến đồ ăn cho người cao tuổi nên làm thức ăn mềm, nấu nhừ, chú ý tới món canh, súp vì tuyến nước bọt và hàm răng của người nhiều tuổi hoạt động kém, khó nhai và nuốt thức ăn.
3. Nên ăn các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật
Người cao tuổi nên ăn các thực phẩm có nguồn thực vật thay vì các thực phẩm có nguồn gốc động vật. Bởi, chế độ ăn nhiều rau xanh giúp bổ sung chất xơ, kích thích nhu động ruột, tránh táo bón ở người cao tuổi. Hơn nữa, rau xanh và hoa quả cung cấp các vitamin và chất khoáng chất quan trọng đối với người cao tuổi. Đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật, người cao tuổi nên ưu tiên ăn cá, các loại thịt gia cầm, hạn chế các loại thịt đỏ.
4. Người cao tuổi cần uống đủ nước
Người già thường có thói quen uống ít nước do sợ đi tiểu nhiều, mất ngủ. Tuy nhiên, việc uống đủ nước rất tốt cho sức khỏe, bởi nước giúp cho tiêu hóa tốt hơn và đào thải các chất cặn bã của cơ thể. Người già uống nhiều nước còn có tác dụng hạn chế táo bón. Do đó, cần khuyến khích ông bà, bố mẹ uống từ 1,5-2 lít nước/ngày, cần chủ động uống nước không chờ khát mới uống. Người cao tuổi nên uống nước đun sôi để nguội hoặc trà xanh tốt cho tim mạch và các loại đồ uống có tác dụng an thần như hạt sen, ngó sen, hoa cúc... Hạn chế uống nước ngọt, nước có gas… Vì người cao tuổi hay quên và có thể mất cảm giác khát, do đó cần hình thành thói quen uống nước hàng ngày như sáng uống hai cốc nước, trưa hai cốc nước, chiều hai cốc nước. Tránh uống nhiều nước buổi tối để không bị tiểu nhiều gây mất ngủ.
5. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Đồ ăn, thức uống của người cao tuổi cần được chế biến, bảo quản đúng cách, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh gây ngộ độc. Cần đảm bảo cho người cao tuổi được ăn uống thoải mái, có được nguồn vui trong bữa ăn hàng ngày. Tất cả những điều đó sẽ giúp cho người cao tuổi luôn vui khỏe, thoải mái, ăn ngon, ngủ sâu, tiêu hóa hấp thu tốt.