Theo ThS.BS Trần Thị Thắm – Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, đối với người bình thường dinh dưỡng hàng ngày đã không thể thiếu và với bệnh nhân nặng thì nó lại càng quan trọng hơn, nuôi dưỡng không đúng không những làm bệnh nặng lên, kéo dài thời gian điều trị mà nhiều trường hợp còn liên quan đến tính mạng của người bệnh.
Bởi, nếu cho người bệnh ăn uống không đúng cách có thể xảy ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong đó, phải kể đến một số biến chứng tiêu hóa như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, khó tiêu…
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng không dung nạp dinh dưỡng dẫn đến dịch tồn dư trong dạ dày, bụng chướng, đi ngoài lỏng…
Nguy hiểm hơn là người bệnh có thể gặp phải tình trạng hoại tử ruột. Nguyên nhân có thể do giảm tưới máu tạng, tổn thương tạng từ trước, co mạch hoặc do độc tố vi khuẩn, do dinh dưỡng đường ruột làm tăng chuyển hóa, tăng sung huyết ruột.
Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân nặng đóng vai trò quan trọng và phải được tuân thủ nghiêm ngặt, nhằm hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Đồng thời, mục tiêu nuôi ăn hỗ trợ ở bệnh nhân nặng còn ngăn bệnh nhân tiến triển thành hội chứng đáp ứng viêm hệ thống, suy đa cơ quan, bảo tồn chức năng và tính toàn vẹn của niêm mạc ruột, hỗ trợ chức năng miễn dịch, thúc đẩy liền vết thương, giảm thiểu tỷ lệ tử vong cho người bệnh…
Bác sĩ Thắm cho biết thêm, khi nuôi dưỡng bệnh nhân nặng, đối với những bệnh nhân có thể ăn đường miệng thì ăn đường miệng được ưu tiên hơn so với đường tiêu hóa hoặc đường tĩnh mạch.
Nếu người bệnh không thể ăn đường miệng , nuôi dưỡng hỗ trợ bằng đường ruột nên được thực hiện sớm trước 48 giờ ở bệnh nhân người lớn hơn là trì hoãn nuôi dưỡng.
Trong trường hợp có chống chỉ định đường miệng hoặc đường ruột, đường tĩnh mạch nên được bổ sung trong khoảng thời gian 3 - 7 ngày.
Đối với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng nên được cung cấp dinh dưỡng sớm thay vì không được dinh dưỡng trong trường hợp chống chỉ định đường ruột.
Ngày 10/4, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tổ chức Hội thảo khoa học chuyên đề huyết động và dinh dưỡng.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Hà Hữu Tùng, Giám đốc Bệnh viện ĐK Nông Nghiệp chia sẻ, dinh dưỡng cho người bệnh đóng vai trò quan trọng bởi chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp người bệnh đủ sức khỏe để đương đầu với bệnh tật.
Đặc biệt, với những bệnh nhân nặng, phải thực hiện phẫu thuật thì dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp người bệnh đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng cần chế độ dinh dưỡng hợp lý để chống nhiễm khuẩn, nhanh lành vết thương và phục hồi sức khỏe.
Với từng bệnh nhân, tùy thể trạng và mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ hướng dẫn chế độ ăn phù hợp và theo nhu cầu của người bệnh như: lỏng ăn qua sond, súp nghiền, cháo nghiền, cháo, phở, cơm…
Nếu không được chú ý dinh dưỡng đầy đủ, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng, gặp phải những biến chứng nguy hiểm.
Nhất là với người bệnh sau phẫu thuật đường tiêu hóa. Bởi người bệnh phẫu thuật đường tiêu hóa có nguy cơ cạn kiệt nguồn dinh dưỡng từ chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, những lo ngại về tắc ruột sau phẫu thuật và tính an toàn của miệng nối phẫu thuật dẫn đến tình trạng không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa gây hậu quả thiếu năng lượng.
Bạn đang xem bài viết Ăn uống không đúng cách, bệnh nhân hồi sức cấp cứu dễ bị hoại tử ruột tại chuyên mục Y tế 24h của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].