Nằm trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tỉnh An Giang luôn tiên phong trong công tác chăm lo gia đình, tất cả các chủ trương, đường lối và định hướng tại các kỳ đại hội đảng bộ tỉnh từ ngày thống nhất đất nước đến nay cho thấy, Đảng bộ luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tới công tác chăm lo xây dựng gia đình bằng nhiều chủ trương, chính sách cụ thể.
Tỉnh luôn kết hợp nhiều nguồn lực ngân sách và xã hội triển khai đồng bộ các chính sách phúc lợi, an sinh xã hội, trước hết là giáo dục, y tế, việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm, nhà ở, tập trung cho vùng khó khăn, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, hộ chính sách, hộ khó khăn, hộ nghèo, góp phần tạo nên nét văn hóa riêng cho , qua đó đã góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Tỉnh có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, nổi bật trên nhiều lĩnh vực đã lan tỏa ở khắp các địa phương, như mô hình gia đình “5 không 3 sạch”; mô hình ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; gia đình làm kinh tế giỏi; gia đình hiếu học, nuôi dạy con tốt; thực hiện nếp sống văn minh…
Hiện nay, 11/11 huyện, thị, thành phố trong toàn Tỉnh đã triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương, 100% số xã, phường, thị trấn trong Tỉnh có mô hình phòng, chống bạo lực gia đình.
Đến nay, toàn tỉnh có 701 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững (tăng 17 câu lạc bộ so với năm 2022), 629 nhóm Phòng chống bạo lực gia đình (tăng 62 nhóm so với năm 2022) và 402 địa chỉ tin cậy cộng đồng (tăng 11 địa chỉ so với năm 2022). Nhìn chung, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở huyện, thị xã, thành phố đang được duy trì, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động.
Thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước về xây dựng nếp sống văn minh trong cưới xin, tang lễ và lễ hội, đa số người dân trong Tỉnh từng bước nhận thức được giá trị cuộc sống hôn nhân, gia đình; nhiều tiệc cưới được tổ chức trang trọng, vui tươi, không phô trương nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn phong tục, tập quán tốt đẹp của từng dân tộc và sự tiến bộ chung của xã hội; tệ tảo hôn, thách cưới phần lớn đã được hạn chế.
Điểm nổi bật đó là địa phương đã vận động gia đình đồng bào Khmer bỏ dần tập tục tổ chức đám cưới kéo dài nhiều ngày, gây tốn kém. Đoàn Thanh niên hình thành những Câu lạc bộ Thanh niên sinh hoạt tìm hiểu Luật hôn nhân và gia đình, tuyên truyền, vận động các đôi bạn trẻ tổ chức đám cưới đơn giản, tiết kiệm với sự hỗ trợ các hoạt động văn nghệ vui tươi và lành mạnh.
Tổ chức việc tang lễ từng bước theo hướng văn minh, tiết kiệm; các tín đồ theo đạo Phật giáo Hòa Hảo thực hiện khá tốt việc “tử” là “táng” trong vòng 24 giờ và không nhận phúng điếu... các nghi lễ tang chế truyền thống như 49 ngày, 100 ngày, giỗ đầu, cải táng được tổ chức gọn trong nội bộ gia đình; tang lễ bài trí theo phong tục truyền thống nhưng được giản tiện, tiết kiệm, gọn nhẹ, không kéo dài nhiều ngày, nhiều đám tang đã không rải vàng mã trên đường để hạn chế ô nhiễm môi trường, trật tự xã hội.
Nhiều địa phương triển khai xây dựng quy ước khóm, ấp văn hóa, ứng xử lịch sự trong giao tiếp, tình làng nghĩa xóm, đoàn kết tương trợ lẫn nhau, qua đó đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng phát triển, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, cống hiến của toàn dân, hình thành môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển con người, nhất là thế hệ trẻ. Đến nay, toàn Tỉnh đã công nhận 507.165 hộ gia đình văn hóa (đạt tỷ lệ 94% tổng số hộ).
Bên cạnh những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp, còn tồn tại những thách thức do mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng đã và đang tác động mạnh, làm xói mòn các giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống, nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan, tác động trực tiếp đến đời sống của mỗi gia đình, làm cho gia đình đứng trước thử thách lớn như: tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục, nạo phá thai trước hôn; tỉ lệ sinh con thứ 3 ở một số địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn phổ biến; tình trạng bạo lực trong gia đình, buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại, trẻ em phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng phát triển; các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, rượu chè, cờ bạc… đã và đang hàng ngày, hàng giờ len lỏi, xâm nhập vào các gia đình…Những hệ lụy này nếu không được chấn chỉnh kịp thời ngay từ trong gia đình sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Trước tình trạng trên, ThS.Trần Ngọc Trường Giang, Phó Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang cho rằng, cần phải xác định xây dựng hệ giá trị gia đình Việt; tục nghiên cứu, xây dựng, lồng ghép thực hiện các hệ giá trị nêu trên trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị này với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nâng cao nhận thức của mỗi người về vị trí, vai trò của gia đình cũng như những giá trị của văn hóa gia đình đối với sự phát triển đất nước.
Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa phương thức tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác gia đình; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng và xã hội trong tuyên truyền phổ biến các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, các mô hình gia đình văn hóa.
Mặt khác tăng cường giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho lớp trẻ ngay từ trong gia đình, nhà trường và xã hội./.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng phối hợp tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực hợp lý, cần thiết để tạo nên những đột phá mới trong việc triển khai, thực hiện các hệ giá trị giá trị gia đình Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc.
Giữ gìn và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới phát triển vững chắc là nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc.
Đó cũng chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người Việt Nam có tầm vóc thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ trí tuệ, tài năng để nước ta hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, song vẫn giữ vững được đậm đà, đa dạng, bản sắc văn hóa dân tộc, đó cũng chính là nền tảng cơ bản, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong tình hình mới đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp vào cuộc sống.