Báo Điện tử Gia đình Mới

Ngừng tim, ngừng thở sau 1 tiếng ăn so biển, cách phân biệt so biển và sam biển để tránh ngộ độc

Sau khi ăn so biển khoảng 1 giờ đồng hồ, người đàn ông thấy tê bì môi, lưỡi, nôn, khó thở và bất ngờ bị ngừng tim, ngừng thở.

Bệnh nhân ngộ độc so biển được bác sĩ chăm sóc điều trị

Bệnh nhân ngộ độc so biển được bác sĩ chăm sóc điều trị

Anh N.V.T. (nam, 42 tuổi, ở huyện Vân Đồn, làm nghề chài lưới) sau khi ăn so biển tại nhà khoảng 1 giờ thì cảm thấy tê bì môi, lưỡi, đầu ngón chân, tay, nôn mửa kèm khó nói, cảm giác khó thở tăng dần.

Bệnh nhân T. được đưa đến cấp cứu tại cơ sở y tế tuyến dưới trong tình trạng liệt tứ chi, suy hô hấp. Bệnh nhân bất ngờ ngừng tim, ngừng thở, được kíp trực cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp tích cực, sau khoảng 3 phút có tái lập tuần hoàn tự nhiên. Người bệnh được đặt ống nội khí quản, bóp bóng có oxy hỗ trợ, duy trì thuốc vận mạch và lập tức chuyển BV ĐK tỉnh Quảng Ninh tiếp tục điều trị.

Người bệnh vào khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu, gọi hỏi không đáp ứng, đồng tử hai bên giãn 5mm, phản xạ ánh sáng kém, thở hoàn toàn theo nhịp  bóp bóng qua ống nội khí quản, mất vận động tứ chi, cơ lực 0/5, mạch 120 lần/ phút, huyết áp 150/90 mmHg.

Các bác sĩ khoa Hồi sức đã điều trị tích cực theo phác đồ, rửa dạ dày, dùng các thuốc hạn chế hấp thu độc tố (than hoạt tính và sorbitol), thở máy hỗ trợ hô hấp, đảm bảo chức năng tuần hoàn bằng thuốc vận mạnh, đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm, kiểm soát cân bằng dịch và điện giải, đặt catheter động mạch theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập liên tục.

Sau thời gian chăm sóc, điều trị tích cực, hiện bệnh nhân T. đã tỉnh táo hoàn toàn, mạch huyết áp ổn định, giao tiếp tốt, cơ lực phục hồi, vận động chân tay bình thường, còn choáng nhẹ.

Theo BSCKII Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, BV ĐK tỉnh Quảng Ninh, độc tố ở loài so biển là chất Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở trứng, gan, mật, ruột. Khi ăn so biển, chất độc Tetrodotoxin sẽ hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa.

Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện sau ăn khoảng 30 phút đến 1 tiếng, muộn nhất là 6 tiếng, biểu hiện là tê bì môi lưỡi, dị cảm vùng mặt, chóng mặt, nôn thốc, nặng hơn là liệt cơ chân tay, không cử động được, thậm chí có thể gây liệt cơ hô hấp dẫn đến suy hô hấp, ngừng thở, làm rối loạn nhịp tim ảnh hưởng chức năng tuần hoàn, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu, xử trí kịp thời. 

Hiện tại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho loại ngộ độc này. Các bác sĩ chủ yếu điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế nhằm giảm hấp thu độc tố bằng rửa dạ dày kết hợp uống than hoạt, thuốc nhuận tràng, kiểm soát các chức năng hô hấp, tuần hoàn và các cơ quan khác chờ độc tố được đào thải.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức của bản thân, tuyệt đối không dùng so biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, không ăn dù chỉ một lần. Khi phát hiện người bị ngộ độc do ăn so biển với các triệu chứng nôn mửa, tê môi, miệng, chân, tay, lơ mơ, choáng váng, toàn thân biểu hiện mệt mỏi,… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.

so-bien-va-sam-bien

Cách phân biệt con so biển và sam biển

Cục An toàn thực phẩm hướng dẫn cách phân biệt con Sam biển và So biển như sau:

- Con Sam biển (Sam lớn) thường phân bố ở vùng ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Nơi Sam biển trưởng thành sinh đẻ cũng như là nơi sống của sam non có bãi biển sạch và không ô nhiễm.

Đuôi Sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác. Sam biển sống thành từng cặp. Mỗi cặp Sam làm tổ đều sinh sống kiểu một vợ một chồng và sống cùng nhau cho đến hết đời. Mỗi cặp Sam đẻ nhiều trứng. Sau khi đẻ trứng, Sam cái bò đi nơi khác. Trứng được phát triển thành ấu trùng, Sam con và thành Sam trưởng thành. Sam biển được khai thác, buôn bán tại và sử dụng làm thực phẩm như một loại hải sản.

- Con So biển (Sam nhỏ) phân bố cũng là ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt. So biển có hình hài rất giống Sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn Sam biển và không đi theo thành từng cặp.

Chiều dài thân của So biển thường khoảng 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Trong So biển có độc tố tetrodotoxin.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO