Chúng ta gặp không ít những đứa trẻ học giỏi, ngoan ngoãn, tốt bụng, thích chia sẻ và giúp đỡ người khác. Khi bắt đầu đi học, những đứa trẻ ấy thường bị bạn bè nhờ làm bài hộ, nhờ vẽ hộ, hoặc nhờ nhắc bài kiểm tra...
Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có lúc sẽ bắt gặp những đứa trẻ như vậy, chúng không biết từ chối và luôn có tâm lý nhượng bộ, muốn giúp đỡ hoặc thỏa mãn người khác mà đôi khi làm ảnh hưởng đến lợi ích của chính bản thân mình.
Những người có tính cách như vậy thường được gọi là "kẻ lấy lòng người khác" (people pleaser), dùng để chỉ kiểu người luôn cố làm hài lòng người khác vì sợ người ta không thích mình, nên thường bị lợi dụng vì họ khó có thể từ chối đề nghị của người khác.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Karen Horney nói: "Những "người lấy lòng người khác" có một nhu cầu khá cực đoan đối với những tình cảm ấm áp và sự tán dương. Họ thường rất nhạy cảm, có thể dễ dàng biết được người khác muốn gì và sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu của đối phương.
Dường như trong tiềm thức của họ luôn tồn tại sự "phục tùng", dù biết bị người khác "bắt nạt", lợi dụng nhưng họ vẫn khó để từ chối."
Những người này thường có tâm lý: "Tôi phải làm thật tốt thì mọi người mới đối tốt với tôi", hoặc "Tôi phải trở thành hình tượng mà người khác kỳ vọng, như vậy họ mới yêu quý tôi".
Vì thường phải thỏa mãn mong muốn của người khác, nên những "kẻ lấy lòng" này đôi khi cảm thấy không vui với những gì mình làm được, đồng thời hay bị lợi dụng, chịu thua thiệt.
Trẻ nhỏ cũng không ngoại lệ. Có những đứa trẻ rất tốt tính và sẵn sàng giúp đỡ tất cả bạn bè dù việc đó có nằm trong khả năng của trẻ hay không.
Vì thế, trong khoảng thời gian trẻ còn nhỏ tuổi và dễ uốn nắn, cha mẹ cần chỉ bảo cho trẻ cách nói "không" khi yêu cầu của người khác vượt quá khả năng hoặc gây ảnh hưởng xấu đến bản thân.
Chúng ta đều thích con trẻ có tính cách thân thiện, hòa đồng, biết sẻ chia, giúp đỡ người khác. Nhưng xã hội phức tạp đôi khi gây hại cho những lòng tốt không được đặt đúng chỗ. Biết cách nói "không" là cách bảo vệ con bạn khỏi những điều ấy.
Hãy dạy trẻ biết tự ý thức về bản thân, loại bỏ những suy nghĩ như "Mình không nên làm việc này, nếu không bố mẹ sẽ tức giận", hoặc "Mình không nên làm như thế vì mọi người sẽ không thích".
Những suy nghĩ này dần dần sẽ khiến trẻ trở thành người thiếu quyết đoán, không có chính kiến và dễ chấp nhận bản thân bị thiệt.
Ngoài ra, hãy giúp trẻ hiểu được giá trị của bản thân. Một "danh hiệu người tốt" không hề quan trọng như chúng ta vẫn nghĩ. Quan trọng là trẻ hiểu được giá trị của mình và không để người khác xúc phạm, lợi dụng. Phải hiểu được giá trị của bản thân mới có được sự tôn trọng từ người khác.
LamBạn đang xem bài viết Nghịch lý: Trẻ càng có tính cách dễ chịu thì lớn lên càng chịu thiệt tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].