Kiểm soát tốt dịch bệnh
Theo báo cáo Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch bệnh trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn được kiểm soát. Tính đến hết tháng 6, toàn thành phố ghi nhận 1.058 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; không có trường hợp tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023, với tổng số 18 ổ dịch.
Đối với bệnh tay chân miệng, ghi nhận 1.627 ca mắc tại 30 quận, huyện, thị xã; 0 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận 39 ổ dịch, hiện tất cả đã kết thúc hoạt động.
Ngoài ra, thành phố ghi nhận 162 ca mắc ho gà; 2 ca viêm não Nhật Bản; 3 ca mắc liên cầu lợn; 679 ca thủy đậu; 8 ca mắc uốn ván; 2 ca sởi…
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động can thiệp để giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng đã được ngành y tế Hà Nội triển khai tích cực.
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo triển khai mô hình can thiệp phòng chống thừa cân, béo phì tại một số trường tiểu học của Hà Nội, giai đoạn 2023 - 2025, gồm: Trường Tiểu học La Thành (quận Đống Đa), Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm), Trường Tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông).
Đồng thời, ngành y tế đã tổ chức điều tra kiến thức, thực hành về dinh dưỡng và vận động cho học sinh tại 3 trường tiểu học nói trên, kết quả rà soát có 1.460 trẻ thừa cân, béo phì. Trên cơ sở rà soát và thống kê qua điều tra, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục đưa ra các giải pháp can thiệp để giảm dần tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì.
Bên cạnh đó, ngành y tế Thủ đô cũng đã tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A đợt I và các hoạt động Ngày vi chất dinh dưỡng trên địa bàn thành phố như cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi đã được tổ chức vào đầu tháng 6. Toàn thành phố có 1.665 điểm uống và 379.495/379.904 trẻ trong độ tuổi từ 6 - 35 tháng tuổi đã được uống bổ sung Vitamin A liều cao, đạt tỷ lệ 99,89%.
Về cân, đo đánh giá tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, có 591.211 trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo, đạt tỷ lệ 95,07%, kết quả tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 6,6%, thể thấp còi là 9,8%, đạt chỉ tiêu thành phố giao.
Trong thời gian tới, các hoạt động can thiệp để giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng vẫn tiếp tục được ngành y tế triển khai như: điều tra, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi và bà mẹ có con dưới 5 tuổi tại 60 cụm trên địa bàn thành phố. Thực hiện truyền thông tại cộng đồng, tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp về dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời, dinh dưỡng ở trẻ từ 2-5 tuổi; tổ chức chiến dịch uống bổ sung Vitamin A đợt 2 năm 2024…
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Thời gian qua, ngành y tế Hà Nội vẫn duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã.
Cùng với đó, duy trì và nhân rộng các mô hình về an toàn thực phẩm như mô hình Kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người để chủ động phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn thành phố với 440 xã, phường, thị trấn/20 quận, huyện, thị xã; mô hình Nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học tại 20 bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện; mô hình Kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học tại 15 quận, huyện, thị xã với tổng số 324 trường.
Ngoài ra, ngành y tế cũng đã tăng cường kiểm tra, giám sát những nơi tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhất là hàng rong trước cổng trường. Triển khai thí điểm mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học thuộc hai phường Tràng Tiền, Hàng Trống của quận Hoàn Kiếm…
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về công tác phòng chống HIV/AIDS
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở y tế của Hà Nội đã xét nghiệm và phát hiện nhiễm HIV mới là 162 ca (đạt 36% kế hoạch, chỉ tiêu 450 trường hợp, trong đó Trung tâm y tế phát hiện 150, các bệnh viện phát hiện 300).
Các ca mới phát hiện là nam giới chiếm (81,48%), phân bố trong nhóm tuổi từ 25 - 49 (57,41%) và 15 - 24 tuổi (22,84%), nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới (11,73%) và tình dục khác giới (6,17%). Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 14.702 người nhiễm HIV còn sống, chiếm 6,6% tổng số ca nhiễm HIV còn sống của cả nước.
Các quận, huyện có số người nhiễm HIV lũy tích cao nhất lần lượt là Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàng Mai, Long Biên, chiếm 38,1% tổng số trường hợp nhiễm HIV của thành phố.
Kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-98, hiện tại có 71,8% người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình được quản lý, tăng 1,2% so với năm 2023. Số người nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV là 13.391 người, đạt 91,08%. Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế/tổng số bệnh nhân được làm xét nghiệm tải lượng virus là 3740/3812, đạt 98,1%.
Trong thời gian tới, ngành y tế tập trung phát hiện mới người nhiễm HIV tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn để đạt chỉ tiêu 450 ca phát hiện mới trong năm 2024.
Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV tại 24 cơ sở điều trị HIV/AIDS, cơ sở cai nghiện ma túy số 2 và 2 trại giam (Thanh Xuân, Suối Hai), 2 trại tạm giam trên địa bàn Hà Nội; 19/19 cơ sở cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động kết nối chuyển gửi bệnh nhân HIV nghi mắc lao và ngược lại, đảm bảo bệnh nhân được điều trị đồng thời cả ARV và điều trị lao; các cơ sở điều trị ARV triển khai điều trị lao tiềm ẩn bằng Isoniazid và 3HP (Isoniazid và Rifapentine).
Thực hiện xét nghiệm CD4, tải lượng HIV qua bảo hiểm y tế cho bệnh nhân đang điều trị ARV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS; các cơ sở điều trị duy trì tỷ lệ dưới ngưỡng ức chế trên 98%.
Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị PrEP tại các cơ sở điều trị. Đồng thời, mở rộng độ bao phủ cung cấp dịch vụ điều trị PrEP tới những người có nguy cơ lây nhiễm HIV bao gồm: người có quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển đổi giới tính; người sử dụng ma túy; người bán dâm; vợ/chồng của người nhiễm HIV, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính và người sử dụng ma túy; người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV.
Thực hiện các chỉ tiêu về dân số
Thời gian qua, ngành y tế Thủ đô đã tổ chức thực hiện Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ về dân số năm 2024 tại 29/30 quận, huyện và 459/579 xã, phường. Kết quả các biện pháp tránh thai đạt 100% kế hoạch chiến dịch, cụ thể, đặt dụng cụ tử cung đạt 103,6%, thuốc tiêm tránh thai đạt 116,5%, thuốc cấy tránh thai đạt 157,7%, thuốc uống tránh thai đạt 116,1%, bao cao su đạt 117,3%.
Trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu về công tác dân số như tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68%, phụ nữ mang thai được tầm soát từ 4 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên đạt 79%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tầm soát từ 5 loại bệnh, tật bẩm sinh phổ biến trở lên đạt 82%.
Ngành y tế cũng tích cực triển khai thực hiện các hoạt động Đề án mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Bạn đang xem bài viết Ngành Y tế triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].