Như chúng ta đã biết, Rằm tháng Giêng là ngày lễ quan trọng của năm mới. Người xưa có câu "cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng", chính vì quan niệm này mà hằng năm cứ vào ngày này các gia đình lại tạm gác công việc để sắm sửa mâm lễ dâng cúng thần linh, gia tiên.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng không cần có quá nhiều sơn hào hải vị hay phải có mâm cao cỗ đầy, quan trọng là tấm lòng thành. Chính vì vậy, các gia đình nên chuẩn bị sao cho tươm tất nhất, phù hợp với điều kiện kinh tế chứ không phải quá bày vẽ.
Vậy mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì? nên có những món nào? Dưới đây là một số thông tin hữu ích dành cho bạn tham khảo.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng gồm những gì?
Thông thường, các gia đình sẽ chuẩn bị 2 mâm cỗ: Mâm cỗ chay cúng Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.
Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng
Mâm cỗ chay dâng cúng Phật ngày Rằm tháng Giêng cần có 1 số món như:
- Chè xôi hoặc bánh trôi bánh chay đều được
- Đậu
- Canh xào không thêm hương liệu hay gia vị
- Trái cây
- Hoa tươi
Tùy vào điều kiện của mỗi gia đình mà chuẩn bị mâm cỗ chay Rằm tháng Giêng có các món khác nhau. Không có quy định bắt buộc nào về điều này.
Mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng
Đối với mâm cỗ mặn cúng Rằm tháng Giêng, gia chủ nên chuẩn bị một số món truyền thống như: Thịt gà luộc, bánh chưng/bánh tét hoặc xôi gấc/xôi đỗ, món xào, giò lụa/giò xào,dưa hành muối, canh mọc/canh măng, canh miến, nước chấm...
Cũng giống mâm cỗ chay, mâm cỗ mặn ngày rằm không quá khắt khe về các món dâng cúng. Chủ yếu phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, địa phương và quan trọng là phù hợp với khẩu vị của các thành viên trong gia đình.
Bên cạnh đó, gia chủ cũng nên chuẩn bị thêm bánh kẹo, hoa quả theo mùa để dâng cúng thần linh, gia tiên.
Cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào, giờ nào là tốt nhất?
Người Việt sẽ tiến hành cúng Rằm tháng Giêng vào chính rằm, tức ngày 15/1 âm lịch.
Sở dĩ cúng chính rằm bởi theo quan niệm thì đây là ngày trăng sáng nhất của năm. Vào thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, cả năm may mắn, bình an.
Cúng Rằm tháng Giêng nên cúng vào buổi sáng sớm hoặc lúc chính Ngọ là tốt nhất.
Với các gia đình quá bận rộn thì có thể sắp xếp cúng Rằm tháng Giêng vào ngày 14 âm lịch. Thời điểm cúng không quá bắt buộc, miễn là trước 19 giờ ngày 15/1 là được.
Dưới đây là gợi ý các khung giờ đẹp cúng Rằm tháng Giêng cho cả 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng.
- Ngày 14/1 tức 7/2 dương lịch
Gia chủ có thể chọn cúng rằm vào 4 khung giờ là: Thìn (7 - 9 giờ); Tị (9 - 11 giờ), Thân (15 - 17 giờ), Dậu (17 - 19 giờ).
- Ngày 15/1 tức 8/2 dương lịch
Đối với các gia đình chọn cúng Rằm tháng Giêng vào chính rằm thì có thể tham khảo 3 khung giờ đẹp trong ngày là: Thìn (7 - 9 giờ), Ngọ (11 - 13 giờ), Mùi (13 - 15 giờ).
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo
Thanh HươngBạn đang xem bài viết Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đủ đầy, dâu đảm làm mẹ chồng tấm tắc khen tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].