Loạt bài: Giữ gìn, lan tỏa nét đẹp văn hóa gia đình Thăng Long – Hà Nội

Thành phố Hà Nội đã huy động các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa gia đình trong mỗi hộ dân Hà thành.

Gia đình là hạt nhân để xây dựng xã hội văn minh, hiện đại. Với ý nghĩa đó, những năm qua, thành phố Hà Nội đã huy động các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô, từ đó góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa những nét đẹp văn hóa gia đình trong mỗi hộ dân Hà thành. Tạp chí Gia Đình Mới thực hiện chuyên đề “Giữ gìn, lan tỏa nét đẹp văn hóa gia đình Thăng Long – Hà Nội” để làm nổi bật hơn những thành tựu của công tác này.

Bài 1: Những đặc trưng của gia đình Thăng Long – Hà Nội

Khi nói và viết về gia đình Thăng Long - Hà Nội, điểm quan trọng nhất và cũng là khó khăn nhất chính là việc phải tìm ra được trong đó cái gì là những đặc trưng cơ bản nhất và những yếu tố nào tác động tới sự hình thành, tồn tại và phát triển của những đặc trưng này…

Gia đình Thăng Long - Hà Nội là sản phẩm tự nhiên của chính mảnh đất địa linh nhân kiệt

Trong “Chiếu dời đô” vua Lý Thái Tổ là người đầu tiên nhận ra Thăng Long là “thắng địa”. Hình ảnh đó đã luôn là ánh sáng soi đường cho con cháu suốt hơn 1000 năm. Dù trải qua bao thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội vẫn là thủ đô của đất nước.

Nằm ở ngã ba sông, nơi gặp gỡ của các dải phù sa mầu mỡ của sông Hồng và sông Đuống, Hà Nội là trung tâm của cả một vùng đồng bằng Bắc bộ. Phù sa vừa lắng bồi tại đây lại vừa cuốn chảy từ đây. Sông nước đưa phù sa về Hà Nội, quần tụ lên những bãi bồi màu mỡ, rồi lại tiếp tục chuyển chảy về phía biển. Sự dịch đổi liên tục của các dòng chảy bên lở, bên bồi của dòng Nhị Hà đã tạo nên một không khí sôi động vừa lắng đọng vừa biến chuyển, khiến môi trường sống của con người trở nên thanh cao hơn.

Gia đình Thăng Long - Hà Nội là sản phẩm tự nhiên của chính mảnh đất địa linh nhân kiệt. Ảnh minh họa.

Gia đình Thăng Long - Hà Nội là sản phẩm tự nhiên của chính mảnh đất địa linh nhân kiệt. Ảnh minh họa.

Cảnh sắc thiên nhiên đã được con người Thăng Long - Hà Nội mang vào cuộc sống thường ngày trong gia đình . Chúng ta hãy xem Phạm Đình Hổ diễn tả về cuộc sống thanh cao của gia đình ông ở Thăng Long vào thế kỷ XVIII: “Bà cung nhân ta thì ở trong nội tẩm, một mình ta ở ngoài trung đường. Nhà trung đường có bảy gian, toạ đông hướng tây, vốn là chính tẩm của đấng tiên đại phu ta ở trước. Phía tây là máng nước tiếp với nhà khách năm gian, trước mặt trông xuống cái ao vuông. Trong ao thả sen trắng, chung quanh bờ trồng thanh liễu và cam quýt. Cách nhà khách năm sáu bước, lại chắn ngang một rặng rào trúc, từ phía nam nhà trung đường  đến bờ ao phía tây; phía bắc thì dựng một cái bình phong che khuất đi. Phía đông ao giáp sân nhà khách, có trồng năm cây hoa nhài, hoa hồng, hoa ngâu, hoa mẫu đơn...(Phạm Đình Hổ, 2001).

Trong bối cảnh ấy chàng thư sinh Phạm Đình Hổ đã thật thảnh thơi và mơ mộng: “Tối đến, lúc mặt trăng mới mọc, ta đi tản bộ quanh bờ ao, ngâm nga mấy câu Đường thi cũng thú, họăc tựa gốc dừa, cành hoa phất phơ trước mặt, ngồi bẻ bông tước lá thử chơi. Khi thẩn thơ trở về nhà khách thì bóng nguyệt hương hoa vẫn còn phảng phất trên án thư tràng kỷ. Ta thức đến gà gáy mới đi ngủ” (Phạm Đình Hổ, 2001).

Cái cảnh “bóng nguyệt hương hoa” luôn “vẫn còn phảng phất trên án thư, tràng kỷ” của các anh học trò trong một gia đình trí thức bậc trung của Thăng Long thuở ấy mới thật là thanh lịch, tao nhã.

Người Thăng Long Hà Nội từ vua chúa, quan lại đến các tầng lớp bình dân đều yêu quý thiên nhiên, coi thiên nhiên đẹp đẽ quanh mình là một phần của cuộc sống. Phạm Đình Hồ đã miêu tả về việc yêu cây cỏ thiên nhiên của các vị chúa , cận thần và những người Thăng Long Hà Nội như sau : “ Buổi ấy bao nhiêu những loài trân cầm, dị thú, cổ mộc, quái thạch và chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì. Có khi lấy cả cây đa to, cành lá rườm rà từ bên bắc chở qua sông đem về. Nó giống như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm, đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay. Trong phủ điểm xuyết, bày vẽ ra hình núi non bộ trông như bến bể đầu non”. Bởi vậy ở Thăng Long khi ấy , theo miêu tả của ông thì “Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ, tan đàn” (Phạm Đình Hổ, 2001).

 Cư dân Hà Nội hòa đồng với thiên nhiên, yêu quý thiên nhiên như thế nào thì họ cũng hòa đồng với các thành viên trong gia đình như vậy. Ban đầu là tình yêu trai gái rồi tình cảm gia đình, ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái cũng xuất hiện sâu đậm cùng với những sự lãng mạn của thiên nhiên nói trên.

Chính vì vậy, có thể nói phong thái giao tiếp trong gia đình của người Hà Nội cũng chính là phong thái mà họ ứng xử với thiên nhiên, phong thái “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.

Chính thiên nhiên hài hoà đã dạy cho người Thăng Long Hà Nội sự hài hòa và tính tế trong giao tiếp, ứng xử gia đình. Đó là việc đề cao tình yêu thương, sự cảm thông, tôn trọng lẫn nhau. Ứng xử trong gia đình Hà Nội không chỉ đúng mực, tình nghĩa mà còn phải đẹp. Giáo dục gia đình, bên cạnh việc truyền dạy cách thức gìn giữ mối quan hệ đầy cảm xúc với thiên nhiên, với những người thân còn là nếp ăn, nếp ở, phong cách, cử chỉ sao cho thanh cao, nhã nhặn, có văn hóa.

Chính sự tinh tế từ cảm xúc, sự thuần khiết và lãng  mạn trong trong cách nhìn nhận cuộc đời, sự trong sáng trong những tình cảm chân thực giữa con người với thiên nhiên, con người với con người đã dẫn các chàng trai cô gái đến với nhau, rồi lại đưa tất cả vào không gian sống gần gũi nhất của mình, đó là không gian của hạnh phúc gia đình, tạo nên những đặc trưng của gia đình Thăng Long-Hà Nội.

Gia đình Thăng Long - Hà Nội, sản phẩm của những sự tiếp biến văn hóa chốn đô thành

Nói đến những đặc trưng của gia đình Thăng Long Hà Nội, chúng ta không thể không phân tích những ảnh hưởng từ môi trường sống của một kinh đô, đô hội đã tồn tại hàng nghìn năm. Với tính chất là một kinh đô, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều thế hệ người Việt Nam, trong lịch sử của mình, Hà Nội vừa tiếp thu những giá trị tốt đẹp của các vùng đất xung quanh vừa tạo dựng nên những phẩm chất ưu tú của riêng mình. Các đặc trưng về văn hóa gia đình của Thăng Long Hà Nội cũng như vậy.

Trong một công trình nghiên cứu về người Hà Nội có tên là “Những con đường, dòng sông và lịch sử”, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã rất chú ý đến tính chất hội tụ, tiếp biến văn hóa của cả nước trong quá trình tạo dựng nên những nét tinh túy cho mảnh đất Thăng Long-Hà Nội. Ông cho rằng Hà Nội, trước hết là trung tâm, “là chốn hội tụ của hầu hết các đầu mối giao thông ở đồng bằng Bắc Bộ”… “Những con đường và những dòng sông trên đã tạo điều kiện cho sản vật, hàng hóa ở khắp mọi vùng rừng, biển, Bắc, Nam đổ về Hà Nội và ngược lại, sản vật và hàng hóa của Hà Nội cũng theo những nẻo đường thủy bộ ấy mà tỏa đi bốn phương”.

Và không chỉ như vậy, theo Nguyễn Vinh Phúc, điều quan trọng hơn là Hà Nội trở thành một trung tâm tôi luyện những phẩm chất tốt đẹp của người Việt, góp phần tạo nên những phẩm chất con người tốt đẹp cho đất nước. “Qua sông nước và qua các nẻo đường, Hà Nội nhận nhân tài, vật lực từ bốn phương về, rồi đào luyện, nâng cao gửi lại cho bốn phương” (Nguyễn Vinh Phúc, 2004).

Như vậy tính trung tâm và tụ hội của Thăng Long - Hà Nội không chỉ là điểm đến nhiều hứa hẹn, cuốn hút đối với những cư dân có năng lực và tài năng trong khắp đất nước mà còn cả tinh hoa văn hóa của quê hương họ. Thăng Long bách nghệ, Thăng Long văn minh là còn nhờ ở sự góp sức của người dân tứ phương. Họ còn là đại diện cho con người của toàn quốc. Văn hóa, lối sống nhân cách của con người và gia đình Thăng Long - Hà Nội là văn hóa, lối sống nhân cách, biểu trưng cho những điều tốt đẹp của nhiều vùng khác. Về điểm này, những nghiên cứu về Thăng Long Hà Nội đã cho thấy bản thân văn hóa Thăng Long - Hà Nội, trong đó có văn hóa gia đình không phải là sự phản ánh lại những đặc điểm chung trong cuộc sống, lao động sinh hoạt của cả một vùng Thăng Long mà chính là tinh hoa của văn minh chung của người Việt.

Gia đình Thăng Long - Hà Nội, sản phẩm của những sự tiếp biến văn hóa chốn đô thành.

Gia đình Thăng Long - Hà Nội, sản phẩm của những sự tiếp biến văn hóa chốn đô thành.

Giáo sư Đinh Gia Khánh cho rằng “Hơn bất cứ vùng văn hóa nào khác, Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội có điều kiện giao lưu vừa rộng rãi vừa mật thiết với tất cả các vùng văn hóa khác trong cả nước. Thăng Long Hà Nội từ lâu đã là nơi ‘Bốn phương hội tụ”. Bởi vậy những đặc trưng của gia đình Thăng Long-Hà Nội về thực chất cũng chính là sản phẩm của quá trình ”Bốn phương hội tụ” nói trên.

Xem xét tình hình lịch sử sự phát triển của cư dân và gia đình Thăng Long - Hà Nội chúng ta có thể thấy ngay những đặc điểm về sự hội tụ ấy.

Nếp sống gia đình của người Tràng An sở dĩ thanh lịch cũng chính là bởi họ đã tiếp thu được tinh hoa của sự thanh lịch từ rất nhiều hướng và hun đúc thành cái thanh lịch của riêng mình.

Tính chất hội tụ, tiếp biến và sáng tạo cũng khiến cho văn hóa  gia đình Thăng Long Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa gia đình chung. Với những ưu thế của một khu vực kinh đô, nơi tập trung những cơ quan quản lý và điều hành đất nước Thăng Long-Hà Nội cũng là nơi sản sinh và phát triển xu hướng hàn lâm, bác học trong văn hóa. Nó thực sự là mảnh đất đào tạo và tôi luyện ra những phẩm chất con người tốt đẹp.

  Từ những phân tích ở trên, chúng ta có thể thấy rõ gia đình Thăng Long - Hà Nội từ bao đời nay đã là hình ảnh thu nhỏ của gia đình Việt Nam, mang trong mình tất cả những đặc điểm chung của gia đình Việt Nam và mang cả những nét độc đáo của gia đình Thăng Long - Hà Nội.

Trong nấc thang giá trị xã hội và gia đình ở Thăng Long-Hà Nội, những chuẩn mực về tình thương yêu, đức hy sinh, sự thủy chung luôn được đặt lên vị trí cao nhất. Nhờ quan điểm sống ấy, mà người Thăng Long Hà Nội đã duy trì được một sự hài hòa trong các quan hệ xã hội, làm hạn chế phần nào những sự phát triển của tính vị kỷ, tạo ra được một sức mạnh chung để gắn kết gia đình và cộng đồng.

                                            GS Lê Thị Quý - Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính