Báo Điện tử Gia đình Mới

Gia đình là nơi tái sản xuất ra con người và xã hội

Gia đình có nhiều chức năng, trong đó chức năng sinh sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp tái sản xuất ra con người và xã hội.

Gia đình có chức năng duy trì và phát triển nòi giống. Đây là chức năng đặc biệt của gia đình mà không một thiết chế xã hội nào có được. Luật pháp của hầu hết các nước trên thế giới đã bảo vệ chức năng này của gia đình. Gia đình còn là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng con người và là nơi con người muốn được nương náu trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời.

Hiện nay trên thế giới có hai khuynh hướng liên quan đến chức năng sinh sản của gia đình : khuynh hướng không sinh đẻ hoặc đẻ ít và khuynh hướng đẻ nhiều. Cả hai khuynh hướng đều có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển dân số ở các góc độ khác nhau.

Gia đình có chức năng duy trì và phát triển nòi giống. Ảnh minh họa

Gia đình có chức năng duy trì và phát triển nòi giống. Ảnh minh họa

- Khuynh hướng đẻ ít hoặc không sinh đẻ: Tồn tại ở nhiều nước phát triển hoặc trong nhiều gia đình có mức sống cao. Do quá bận rộn hoặc do có quá nhiều nhu cầu, mối quan tâm và do muốn thành đạt trong công việc nên nhiều phụ nữ ( và cả nam giới ) đã chọn không sinh con hoặc sinh rất ít. Điều này đã ảnh hưởng tới tháp dân số của đất nước trong việc duy trì và phát triển nòi giống. Nguy cơ của tháp dân số già và sự không phát triển dân số sẽ không chỉ ảnh hưởng tới nguồn nhân lực mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển gia đình và tương lai đất nước.

- Khuynh hướng đẻ nhiều: Thường xảy ra ở các nước nghèo, gia đình nghèo. Việc đẻ nhiều xuất phát từ phong tục muốn “ Đông con, nhiều cháu” của một số nước phương Đông trong đó có Việt Nam, một phần cũng do tình trạng “ Hữu sinh vô dưỡng” trong quá khứ của nhiều gia đình nên họ có xu hướng sinh nhiều con để lỡ có đứa chết vẫn còn con để nuôi. Khuynh hướng đẻ nhiều khiến cho các gia đình càng nghèo hơn, con cái không được nuôi dưỡng đầy đủ, không được học hành, tạo ra “ Nạn nhân mãn” với chất lượng thấp. Việc bất chấp chương trình kế hoạch hoá gia đình của nhiều bậc cha mẹ khiến cho dân số tăng vọt kéo theo những khó khăn về kinh tế xã hội cũng như chất lượng dân số. Những nước có dân số phát triển nhanh thường có tháp dân số trẻ, nghèo và chất lượng dân số không cao. Việt Nam trước đây là nước có tháp dân số trẻ nay có tháp dân số vừa già vừa trẻ, chất lượng dân số và chất lượng sống nhìn chung là không cao.

Hiện nay xã hội phải đòi hỏi cao hơn trách nhiệm công dân của cha mẹ trong việc sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái. Người nào không có khả năng nuôi dạy con cái mà đẻ nhiều thì phải phạt. Họ không thể đẩy vào xã hội hàng loạt đứa trẻ không được nuôi dưỡng và giáo dục. Những năm qua Việt Nam mắc sai lầm trong chính sách dân số, chỉ giảm sinh cho nhóm cán bộ, trí thức những người có điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục con cái mà không giảm sinh quyết liệt ở các tầng lớp khác. Do đó chất lượng dân số của Việt Nam bị ảnh hưởng và sa sút. Nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi do cha mẹ nghèo hoặc bị lỡ dở đã mang lại gánh nặng cho xã hội và cho chính những đứa trẻ đó. Ngược lại tầng lớp có thể nuôi dưỡng trẻ ngày càng đẻ ít, thậm chí không đẻ.

Có thể không cần đến gia đình, người ta vẫn có thể sinh con đẻ cái và duy trì nòi giống nhưng nếu trào lưu này lan rộng thì khiến chúng ta trở lại thời kỳ nguyên thủy hỗn mang giống loài vật. Gia đình chính là một thiết chế xã hội giúp cho con người thực hiện việc duy trì nòi giống một cách chủ động và có tổ chức. Con người có ý thức không sinh sản một cách tự phát và mù quáng như động vật. Thông qua sự tồn tại của gia đình, nhân loại có thể làm chủ việc sinh sản, nuôi dưỡng, giáo dục con cái và tiếp tục quá trình tái sinh sản xuất ra xã hội và con người.

Xuất phát từ chức năng sinh sản và tái sản xuất ra con người và xã hội mà trong gia đình trước đây, việc có con đàn cháu đống, có thể được coi là một trong những chuẩn mực hàng đầu của hạnh phúc. Những gia đình không có con cháu nối dõi có thể bị liệt vào hàng ngũ những gia đình kém may mắn nhất. Khổng Tử còn khẳng định rằng, nếu không sinh được con trai để nối dõi tông đường là phạm tội bất hiếu. Con cái không phải chỉ là đối tượng sẽ tiếp tục cuộc sống của gia đình và dòng họ trong tương lai mà còn là sự đảm bảo về việc giữ gìn truyền thống, thờ cúng tổ tiên, ông bà.

Dường như nền văn hoá nào cũng bằng cách này và cách khác thông qua thiết chế gia đình, thực hiện việc kiểm soát hoạt động tình dục nhằm điều tiết sự phát triển dân số, duy trì nòi giống và gìn giữ các giá trị văn hoá vật chất và tinh thần. Một quy luật áp dụng phổ biến trên toàn thế giới là việc nghiêm cấm quan hệ tình dục hoặc hôn nhân giữa những người họ hàng thân thuộc.

Thực tế lịch sử cho thấy, mỗi nền văn hoá khác nhau lại có những quan niệm khác nhau trong việc áp dụng quy luật trên đối với những người có họ hàng. Ví dụ như người theo chế độ mẫu hệ Navaro thì cấm đoán hoàn toàn việc cưới xin của bất kỳ người nào thuộc họ hàng bên ngoại gần. Ngược lại chế độ phụ hệ lại cấm đoán hoàn toàn việc cưới xin của bất kỳ người nào thuộc họ hàng bên nội gần, gọi là loạn luân. 

Nhiều xã hội không tuân theo chế độ mẫu hệ hay phụ hệ cũng đã nghiêm cấm việc cưới xin hoặc quan hệ tình dục đối với những thành viên gần gũi của cả hai bên gia đình nội ngoại. Tuy nhiên, cũng có các bộ tộc Hawai trước kia hay những người Ai Cập, người Inca cổ đại đã từng chấp nhận những cuộc hôn nhân giữa anh chị em ruột thịt ( Murdock,1965).

Chúng ta ngày nay đều biết rõ rằng nếu những người họ hàng gần gũi quan hệ tình dục và sinh sản, thì con cháu họ sẽ có thể mắc những chứng bệnh về thể chất và tinh thần và suy thoái. Tuy nhiên loài người biết quan tâm đến vấn đề này không phải chỉ vì những nguyên nhân về y sinh học như trên mà còn để bảo vệ những khía cạnh luân lý và đạo đức trong xã hội. Một mặt, nó hạn chế sự loạn tình dục trong gia đình, tạo lập sự ổn định của gia đình. Mặt khác, do quan hệ họ hàng hình thành nên quyền lợi và nghĩa vụ giữa những người có họ gần sẽ làm mất đi khả năng mở rộng và tạo lập những mối quan hệ mới nhằm phát triển gia đình, họ tộc. Bởi vậy, việc buộc mọi người phải kết hôn với người ngoài cũng là một cách thức khuyến khích sự mở rộng và hoà nhập xã hội của gia đình.

Ngày nay ở các nước công nghiệp phát triển, chức năng sinh sản của gia đình đang có xu hướng bị thu hẹp lại. Sự  nới lỏng việc kiểm soát các hoạt động tình dục của chính quyền và cộng đồng, sự mở rộng các hoạt động dịch vụ về tình dục, khiến cho tỷ lệ trẻ em sinh ra bên ngoài các quan hệ gia đình đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên chính sự thiếu vắng vai trò của gia đình trong việc sinh sản và nuôi dưỡng trẻ em đã đặt xã hội vào những tình huống thật phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ tới không chỉ việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục mà còn cả việc hình thành nhân cách của chính trẻ em. Tỷ lệ trẻ em bị bỏ rơi bởi cha mẹ chúng ngày càng tăng là một hành động vô nhân đạo và nó thường xảy ra ở những cặp tình nhân không hôn thú đôi khi không phải vì họ muốn mà do tính bất hợp pháp của quan hệ tình dục ngoài gia đình trong xã hội phương Đông nên họ không được chấp nhận từ gia đình và dư luận xã hội. 

Trích sách Gia đình Thăng Long - Hà Nội/GS.TS Lê Thị Quý

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính