Khái niệm “Gia đình “ đã có ở Đức từ thế kỷ 16 nhưng tới nay vẫn chưa có sự phân biệt giữa khái niệm “Gia đình” và “Họ hàng”. Các nhà xã hội học và nhân học đã tranh cãi hàng chục năm về cách nên định nghĩa gia đình như thế nào? Sự biến đổi không ngừng của các hình thức gia đình cũng làm khó khăn thêm cho định nghĩa. Theo góc độ xã hội học vĩ mô thì gia đình là một thiết chế xã hội nghĩa là một đơn vị cơ sở được mọi người công nhận để thực hiện những chức năng xã hội nhất địnhmà trước hết là sự tái sinh các đặc trưng của loài người ( M. Horkheimer ).
Các nhà xã hội học gia đình như Max Weber, Talcott Parsons, Emile Durkheim với tác phẩm “ Nhập môn xã hội học gia đình”, xuất bản 1888 ( Introduction on Family Sociology ) đã được coi là những người sáng lập môn Xã hội học gia đình đã cho rằng gia đình gắn chặt với những nhân tố văn hóa, xã hội nhất định, phải nhìn hôn nhân và gia đình như là một bộ phận tạo ra xã hội và ngược lại do xã hội tạo ra.
Cần xem xét hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng của các nhân tố xã hội, tức là tìm xem những nhân tố xã hội đã chi phối hôn nhân và đời sống gia đình của các cá nhân như thế nào, dù rằng quan điểm chung vẫn coi đó là những điều riêng tư và tự do.
Nhà nghiên cứu người Pháp Ferederic Le Play (1806 – 1882) đặt ra thuật ngữ Gia đình gốc (Stem family). Một nhà Xã hội học Mỹ hiện đại, giáo sư John J. Macionis cũng định nghĩa gia đình rất đơn giản. Ông cho rằng: Gia đình là một tập thể xã hội có từ hai người trở lên trên cơ sở huyết thống, hôn nhân hay nghĩa dưỡng cùng sống với nhau (John J. Macionis, Sociology, 1987)
Hai người hoặc hơn - như vậy gia đình không thể là một cá nhân mà với tư cách là một nhóm xã hội. Theo nhiều nhà Xã hội học thì mặc dù có thể có nhiều hình thức khác nhau nhưng gia đình là một cơ chế trung tâm của tất cả xã hội con người. Một thực tế là trước khi các trường phái Nữ quyền ra đời ( Nửa cuối thế kỷ 19 ) thì gia đình hầu như chỉ được xem xét từ khía cạnh nam giới, còn phụ nữ đóng vai trò phụ thuộc. Ngày nay, người ta xem xét gia đình toàn diện và khoa học hơn trên cả các vấn đề thế hệ và giới.
Ở Việt Nam, định nghĩa đơn giản nhất về Gia đình là: Tập hợp những người có cùng quan hệ hôn nhân và huyết thống sống trong cùng một nhà (Đại Từ điển Tiếng Việt – Nguyễn Như Y chủ biên, NXB Văn hoá Thông tin, 1998). Một định nghĩa khác cũng tương tự là : Gia đình là tập hợp những người sống trong cùng một nhà gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái (Từ điển Tiếng Việt – Hoàng Văn Hành chủ biên, NXB Từ điển Bách khoa, 2003). Tuy nhiên từ góc độ Xã hội học thì các định nghĩa trên là không đầy đủ.
Trong cuốn “Gia đình học”, các tác giả Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý thì cho rằng: Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt liên kết con người lại với nhau nhằm thực hiện việc duy trì nòi giống và chăm sóc con cái. Các mối quan hệ gia đình còn được gọi là mối quan hệ họ hàng. Đó là những sự liên kết ít nhất cũng là của hai người dựa trên cơ sở huyết thống, hôn nhân và việc nhận con nuôi. Những người này có thể sống cùng hoặc khác mái nhà. (Gia đình học, NXBLý luận chính trị, 2007 )
Tính hai mặt của gia đình là: Một mặt gia đình là tổ ấm, là nơi trú ngụ của con người, là nơi có các mối quan hệ đặc biệt ( vợ chồng) hoặc ruột thịt, là nơi con người sống nhiều nhất trong cuộc đời mình. Mặt khác, gia đình là một thiết chế xã hội hay gọi cách khác là tế bào đặc biệt của xã hội vì vậy nó mang trong mình đầy đủ các mâu thuẫn, khủng hoảng, xung đột của xã hội. Vì vậy, Gia đình không chỉ là tổ ấm mà còn là nơi tập hợp những mâu thuẫn lớn và đấu tranh.
Trích sách Gia đình Thăng Long - Hà Nội/GS.TS Lê Thị QuýBạn đang xem bài viết Gia đình không chỉ là tổ ấm mà còn là nơi tập hợp những mâu thuẫn lớn và đấu tranh tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].