Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai), hiện giới trẻ bị rối loạn do stress rất nhiều, có trẻ cắt chân, tay để giải tỏa. Đặc biệt là thời điểm các kỳ thi quan trọng sắp diễn ra, số lượng trẻ nhập viện điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng.
Điển hình là một trường hợp nam sinh 18 tuổi ở Hà Nội nhập viện gần 1 tuần để điều trị stress, rối loạn cảm xúc. Mặc dù đang giai đoạn quan trọng, nước rút cho kỳ thi tốt nghiệp, nhưng nam sinh học không vào.
Người nhà bệnh nhân chia sẻ, trước đây bệnh nhân là học sinh khá giỏi nhưng từ lớp 11 bệnh nhân đã có biểu hiện khó kiềm chế được cảm xúc, cãi lời bố mẹ sau đó lại xin lỗi vì nhận ra mình sai.
Đáng lưu ý là trên tay chân bệnh nhân có nhiều vết bầm tím do tự làm đau… bản thân để giải tỏa.
Nam thanh niên cảm thấy mình áp lực vì không biết học nhiều để làm gì. Ví như bệnh nhân thấy học toán thì rất nhiều nhưng người lớn đâu thấy có ai sử dụng các công thức toán học ngoại trừ các phép tính cơ bản. Chính vì suy nghĩ này mà trẻ giảm hứng thú trong học tập, luôn phải đấu tranh giữa việc cố gắng học tốt và học để làm gì.
Chính những đấu tranh đó, kết hợp với sự giáo huấn, mong muốn của bố mẹ làm nam sinh xuất hiện những ý tưởng và hành vi chống đối, nhiều khi làm ngược lại, có những trò đùa nghịch và trêu bạn bè hơi quá…
Thậm chí, có những lúc căng thẳng, khó chịu quá, bệnh nhân đã tự cấu véo làm đau bản thân để tìm cảm giác dễ chịu hơn.
Gần đây bệnh nhân thấy người mệt mỏi, giảm hứng thú nhiều hơn do vậy học tập không theo được guồng ôn thi của nhà trường, làm bệnh nhân chán nản, buồn chán, trở lên lo lắng căng thẳng… Gia đình đã đưa bệnh nhân tới khám tại Viện sức khỏe tâm thần.
Bác sĩ Dương Minh Tâm cho biết, stress ảnh hưởng tới tư duy, cảm xúc, hành vi… Trẻ bị stress thường hay bồn chồn, bốc đồng, giảm tập trung, dễ cáu gắt; thường biểu hiện khó tin tưởng người khác; khó kết nối với bạn bè; khó khăn trong kiểm soát hành vi như: ăn vô độ, chán ăn, tự làm đau bản thân…
Một số trường hợp học sinh mắc bệnh còn có biểu hiện dùng dao rạch chân, tay, rối loạn hành vi trầm cảm. Nguyên nhân có thể là do trẻ bị stress từ việc học tập, quan hệ bạn bè, nhà trường, gia đình hay liên quan đến việc cha mẹ định hướng nghề nghiệp, học tập…
Đáng nói là đa số người bệnh không biết hoặc không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi mắc bệnh, người bệnh phải mất nhiều thời gian đi khám trước khi đến được với chuyên khoa tâm thần.
Bác sĩ khuyến cáo, để phát hiện và điều trị sớm cho trẻ thì vai trò của phụ huynh và gia đình rất quan trọng. Đặc biệt trong mùa thi, cha mẹ không nên tạo áp lực cho con, phải luôn gần gũi với con, chú ý quan sát những thay đổi từ cảm xúc, sức khỏe thể chất ăn, ngủ, sinh hoạt hàng ngày nếu có khác thường so với trước đó. Nếu thường xuyên tâm sự với con 1 - 2 tuần mà con vẫn không chuyển biến thì cha mẹ nên cho con gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý để trẻ được can thiệp kịp thời.
An AnBạn đang xem bài viết Lo lắng học tập, thi cử, nhiều trẻ bị đau đầu, mệt mỏi, tự làm đau bản thân để giải tỏa tại chuyên mục Học đường của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].