Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

Không nhận ra người chồng gắn bó hơn 50 năm, cụ bà ngày nào cũng... đi tìm chồng

Mặc dù đang sống cùng với chồng và con cháu nhưng cụ bà suốt ngày đi tìm chồng, nửa đêm soi gương nói chuyện tình cảm với người chồng trong gương làm người thân dở khóc dở cười.

Không nhận ra người chồng gắn bó hơn 50 năm vì bị sa sút trí tuệ

Cụ bà N.T.L. (75 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) bắt đầu có biểu hiện nhớ nhớ quên quên sau một lần bị cảm nặng.  Lúc đầu các triệu chứng của bà L. chỉ là quên chìa khóa nhà, quên ấn nút nồi cơm điện, đun nước xong quên rót vào phích…

Cứ nghĩ rằng đây là những dấu hiệu của tuổi già nên các con của bà L. không đưa bà đi thăm khám mà chỉ mua các loại thuốc bổ não, thực phẩm chức năng tăng cường trí nhớ, tăng sức khỏe cho bà dùng.

Nhưng rồi tình trạng của bà L. ngày càng nặng hơn, bà quên cả những người xung quanh, thậm chí còn không nhớ người chồng hơn 50 năm chung sống cùng.

Mặc dù cụ ông đang ở nhà nhưng bà L. lại hỏi con, cháu mình rằng: “Bố mày/ông mày đâu rồi, đi đâu mà lâu về thế?”. Tìm chồng ở nhà không thấy bà L. đi ra đầu làng, gặp ai bà cũng hỏi “có thấy chồng tôi không? Chỉ giúp đường về nhà tôi”.

  Sa sút trí tuệ làm bệnh nhân quên những đồ vật thân thuộc, quên người xung quanh và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh minh họa

Sa sút trí tuệ làm bệnh nhân quên những đồ vật thân thuộc, quên người xung quanh và gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Ảnh minh họa

Thật may là bà L. chỉ đi quanh quẩn trong làng và hỏi thăm những người cùng làng nên được mọi người dẫn về nhà hoặc gọi điện cho người thân ra đưa bà về nhà.

Rồi không ít lần cháu nội bà L. bắt gặp bà đứng trước gương tự nói chuyện với bóng mình trong gương và nghĩ rằng đó là chồng mình với cách xưng hô “anh – em” tình cảm như các cặp đôi trẻ yêu nhau.

Thậm chí, bà còn nói chuyện với gương cả đêm, với những câu chuyện không đầu không cuối gây mất ngủ cho các thành viên trong gia đình.

Những lúc như vậy chồng bà L. và các con lại dở khóc dở cười vì bà như một người khác, không phân biệt được thời gian, hoàn cảnh, đi tìm kiếm những ký ức xưa cũ trong khi người bà đang tìm ở ngay trước mặt.

Sau đó, bà L. được con đưa đi bệnh viện thăm khám thì được bác sĩ cho biết bà có biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ và bác sĩ cũng khuyên người nhà cần quan tâm, chăm sóc bà L. nhiều hơn để bệnh không tiến triển nhanh, hạn chế khó khăn trong hoạt động hàng ngày, tránh phụ thuộc quá nhiều vào người khác…

Cứ 3 giây có 1 người mắc sa sút trí tuệ

TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị bệnh tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sa sút trí tuệ là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng bởi là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ liên tục…

Trên thế giới, cứ 3 giây có 1 người mắc sa sút trí tuệ. Có tới 60 – 80% người sa sút trí tuệ mắc bệnh Alzheimer – căn bệnh không thể chữa khỏi. Căn bệnh này không chỉ dẫn đến tử vong mà còn gây ra gánh nặng về kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe người xung quanh.

  TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần đang thăm khám cho một bệnh nhân bị sa sút trí tuệ

TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần đang thăm khám cho một bệnh nhân bị sa sút trí tuệ

Biểu hiện đầu tiên của bệnh sa sút trí tuệ là suy giảm trí nhớ: Giai đoạn đầu chủ yếu là giảm trí nhớ ngắn hạn, đôi khi bệnh nhân/ người nhà không nhận biết được thời gian khởi phát triệu chứng: Sự việc mới quên trước, sau đó quên cả sự việc xa xưa, kỷ niệm thời thơ ấu.

Tiếp đó, bệnh nhân có biểu hiện nói lặp từ; khó tìm từ khi nói, thêm từ lạ, không gọi được tên đồ vật, nói, viết sai.

Nặng hơn nữa là người bệnh không nhận ra người quen cũ, con cháu, nhận nhầm, không nhận ra đồ vật quen thuộc.

Các biểu hiện có thể gặp phải như vụng về trong thao tác nghề nghiệp, khó khăn trong việc tự ăn uống, khó khăn trong vệ sinh cá nhân, rối loạn trong trang phục (mặc quần áo, chải tóc…), không sử dụng được công cụ, trang thiết bị trong gia đình.

Sa sút trí tuệ còn làm giảm khả năng tính toán, giảm khả năng sáng tạo, giảm khả năng lập kế hoạch, giảm khả năng ra quyết định.

Ngoài ra bệnh nhân còn có biểu hiện biến đổi nhân cách xuất hiện sớm: thụ động (thờ ơ, cách ly xã hội), mất kiềm chế (hành vi tình dục bất thường hoặc nói năng linh tinh, tự cho mình là trung tâm (tính trẻ con, thiếu sự đại lượng), kích động rất thường gặp và thường nặng lên khi bệnh tiến triển, kích động về lời nói, kích động về hành động, các hành vi không phù hợp như đi lang thang, trầm cảm, hoang tưởng bị mất trộm, bị theo dõi, ghen tuông…

Làm thế nào để nhận biết người thân bị sa sút trí tuệ?

Theo ThS.BS Lê Thị Phương Thảo, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh sa sút trí tuệ như sự teo não lan tỏa, xuất hiện các mảng tơ thần kinh, giảm sút các chất dẫn truyền thần kinh…

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ như sử dụng thuốc, lạm dụng các chất kích thích, mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, bệnh do rối loạn nội tiết… cũng làm tăng nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.

  Người cao tuổi nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm sa sút trí tuệ và các bệnh lý nguy hiểm khác

Người cao tuổi nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm sa sút trí tuệ và các bệnh lý nguy hiểm khác

Để phát hiện và điều trị sớm sa sút trí tuệ, cần đưa người thân đi thăm khám sớm khi có các biểu hiện như:

- Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hằng ngày

- Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề

- Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc

- Nhầm lẫn về thời gian và không gian

- Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian

- Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/đọc

- Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ

- Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định

- Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội

- Thay đổi cảm xúc và nhân cách

Khi người thân có những dấu hiệu sớm kể trên, gia đình nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được làm các bài test cần thiết. Tại Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai hiện đang triển khai một số bài trắc nghiệm sau:

- Trắc nghiệm đánh giá trạng thái tâm thần tối thiểu (MMSE: Mini-Mental State Examination): là trắc nghiệm sàng lọc sa sút trí tuệ được sử dụng rộng rãi nhất. Thời gian để làm khoảng 7 phút. Nhược điểm: không nhạy với suy giảm nhận thức nhẹ, và bị ảnh hưởng bởi tuổi và trình độ học vấn, ngôn ngữ, vận động và thị lực.

- Mini-Cog: Trắc nghiệm Mini-Cog bao gồm vẽ đồng hồ và nhắc lại 3 từ không liên quan. Ưu điểm của Mini-Cog là có độ nhạy cao dự đoán tình trạng sa sút trí tuệ, thời gian làm trắc nghiệm ngắn hơn so với MMSE, dễ quản lý, và giá trị chẩn đoán không phụ thuộc vào trình độ học vấn và ngôn ngữ.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính