Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đơn vị này mới tiếp nhận điều trị cho nữ bệnh nhân 38 tuổi bị rối loạn stress nặng do quá suy nghĩ chuyện tiền bạc, nợ nần.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thường xuyên đau đầu. Được biết, bệnh nhân lập gia đình từ năm 26 tuổi, kinh tế gia đình ở mức trung bình.
Trải qua một thời gian chung sống, với mong muốn được ra ở riêng, hai vợ chồng quyết định xây nhà và có vay thêm anh em, bạn bè một số tiền.
Tuy nhiên, trong thời gian xây nhà, do đặc thù công việc thường xuyên đi làm xa, ít về nên anh chồng không có thời gian giúp đỡ vợ.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho bệnh nhân dẫn tới các biểu hiện hay đau đầu, căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ (chỉ ngủ được 1 – 2 giờ mỗi đêm).
Thậm chí có những đêm bệnh nhân thức trắng, lâm vào tình trạng vật vã, đổ mồ hôi, đang tức ngực, hồi hộp, trào ngược dạ dày.
Quá lo lắng cho sức khỏe của mình, bệnh nhân quyết định đi khám ở nhiều nơi nhưng không nơi nào phát hiện ra bệnh.
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, qua thăm khám và khai thác tiền sử, nữ bệnh nhân được chẩn đoán bị rối loạn stress dạng cơ thể do quá cầu toàn và lo âu, đặc biệt về chuyện nợ nần.
Theo TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị stress, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, căng thẳng, stress thường xảy ra ở những trường hợp bệnh nhân quá lo lắng, suy nghĩ, xúc động, không làm chủ được bản thân, hay cầu toàn, kĩ tính, chi ly.
Những trường hợp bệnh nhân này thương rất dễ lâm bệnh chỉ sau một cơn căng thẳng nhẹ và rất khó hồi phục.
Chính vì vậy, bác sĩ Tâm khuyến cáo, để tránh nguy cơ bị nhập viện điều trị do tâm thần, người dân cần tự trang bị cho mình lối sống lành mạnh, kết hợp việc rèn luyện thể dục thể thao, giải trí để cân bằng cuộc sống.
Nếu thấy có các dấu hiệu như lo lắng, mất ngủ, bồn chồn, lo lâu… người dân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Stress có gây bệnh được hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chống đỡ của nhân cách. Nhân cách không chỉ có vai trò trong gây bệnh mà còn ảnh hưởng đến việc hình thành thể bệnh.
Một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh.
Với người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ và bệnh chậm hồi phục. Những người có cảm xúc không ổn định, lo âu, căng thẳng, né tránh cũng là những nét nhân cách dễ bị tổn thương.
Vì vậy, mỗi người nên tìm cho mình một môn thể thao, một cách vận động phù hợp với cơ thể và rèn luyện đều đặn.
Bên cạnh đó, cần có một lối sống, cách tư duy tích cực, khi tiếp nhận một thông tin nên nhìn ở hướng mở, hướng vươn lên chứ không nên nhìn theo khía cạnh tiêu cực.
Với những gia đình có người thân có nhân cách yếu, có tính cầu toàn và hay lo âu thì cũng cần có sự tương trợ từ gia đình để họ có môi trường sống thuận tiện và thân thiện.
L.MinhBạn đang xem bài viết Đau đầu, mất ngủ vì việc xây nhà, người phụ nữ phải đi chữa tâm thần tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].