TS.BS Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi tuổi thọ của người dân ngày càng cao, các bệnh lý liên quan đến tuổi già (trên 65 tuổi) cũng tăng lên đáng kể, nhất là tình trạng sa sút trí tuệ.
Hiện trên thế giới cứ 3 giây lại có thêm 1 người mắc sa sút trí tuệ. Đây là hội chứng lâm sàng được gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác…
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, tuy chưa có thống kê cụ thể song bệnh nhân vào viện do sa sút trí tuệ đang có xu hướng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, có những bệnh nhân chưa đến 50 tuổi đã bị sa sút trí tuệ nghiêm trọng.
Điều đáng nói là rất ít người đến khám do triệu chứng hay quên mà thường đi khám một bệnh lý khác hoặc có các bệnh lý kèm theo. Trong đó, khoảng 60 - 80% bệnh nhân sa sút trí tuệ nhập viện do bệnh lý Alzheimer.
“Có những bệnh nhân sa sút trí tuệ đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, đi vệ sinh bừa bãi, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ.
Rất nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng không ăn được, nói lảm nhảm, không nhận thức được mọi việc xung quanh, không nhận ra người thân, không nhận biết được phương hướng nên đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát” – TS Hà An cho biết.
Bệnh nhân mắc sa sút trí tuệ không chỉ là người già mà còn là những người có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì, đái tháo đường type 2, bị tai biến…
Mặc dù bệnh sa sút trí tuệ là bệnh của người già nhưng không phải tất cả người già đều mắc bệnh, cũng không phải người trẻ thì không mắc bệnh này.
TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần chia sẻ, trên thị trường hiện có rất nhiều loại thuốc bổ não, dưỡng não hay các sản phẩm được quảng cáo có tác tuần hoàn não, song thực tế ở Việt Nam hiện chỉ có 3 loại thuốc điều trị sa sút trí tuệ được cấp phép lưu hành.
Còn tất cả các loại thuốc không phải thuốc do bác sĩ chuyên khoa lão, tâm thần chỉ định để điều trị bệnh lý Alzheimer đều không phải thuốc điều trị, có chăng thì là sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị.
Do đó, người dân cần thận trọng khi mua thuốc sử dụng. Đặc biệt, đối với người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị theo sự chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc để tránh tiền mất tật mang vì các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng.
TS.BS Trần Thị Hà An khuyến cáo, khi có những biểu hiện dưới đây, người bệnh cần đi thăm khám bác sĩ sớm để được tư vấn, điều trị kịp thời bệnh sa sút trí tuệ:
- Giảm trí nhớ làm rối loạn cuộc sống hàng ngày.
- Khó khăn trong việc lên kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề.
- Khó khăn trong việc hoàn thành các nhiệm vụ quen thuộc.
- Nhầm lẫn về thời gian và không gian.
- Khó nhận biết về hình ảnh trực quan và mối quan hệ trong không gian.
- Phát sinh vấn đề mới với từ ngữ khi viết/ đọc.
- Đặt nhầm chỗ các đồ vật và mất khả năng nhớ lại các bước để tìm lại đồ.
- Giảm khả năng phán đoán hoặc ra quyết định.
- Thu mình khỏi công việc hoặc hoạt động xã hội.
- Thay đổi cảm xúc và nhân cách.
L.MinhBạn đang xem bài viết Cứ 3 giây lại có 1 người bị sa sút trí tuệ, nhiều người không thể tự mặc quần áo, vệ sinh tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].