Hỏi đáp với E-Bơi: Biết chuyển động trong nước sẽ tự học được mọi kiểu bơi

Để tìm hiểu cách di chuyển trong nước để tự học các kiểu bơi cơ bản rồi sáng tạo ra nhiều kiểu bơi khác, TS Phạm Anh Tuấn sẽ giải đáp các thắc mắc cho người học bơi. 

Gia Đình Mới giới thiệu series bài viết về Phòng, chống đuối nước do TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng dự án “Phòng chống tai nạn sông nước cho học sinh với E-Bơi", người có tâm huyết với công việc này gần 20 năm nay.

Kích não (Brain Storming) với Hỏi & Đáp

Không thày đố mày học bơi?

Nếu câu này đúng thì người đầu tiên của Trái Đất biết bơi học bơi từ thày nào? Con người xa xưa chắc đã học bơi nhờ quan sát cách bơi của các loài 4 chân như chó, lợn, trâu, bò, ngựa…

Bơi là kỹ năng có thể tự học. Để bơi nhàng nhàng thì thày dạy có thể là giáo viên, bạn bè, bố mẹ, sách vở, kiến thức, video chia sẽ trên mạng...

Nhưng để trở thành vận động viên bơi lội đỉnh cao thì cần giáo viên giỏi thực sự và cần nhiều yếu tố khác nữa như năng khiếu, thể chất, năng khiếu, tính chăm chỉ, kiên trì, điều kiện ăn uống, luyện tập, chế độ tập huấn, thi đấu cọ sát, đội ngũ bác sĩ, chăm sóc sức khỏe, lương bổng, đãi ngộ…

  Chó bơi kiểu chó

Chó bơi kiểu chó

Bơi là gì?

Theo E-Bơi, là chuyển động và tồn tại tự thân trong nước không cần nhờ sự trợ giúp bên ngoài trong một thời gian dài. Bơi chỉ là 3 miếng ghép của Thở - Lặn / Thả nổi – Chuyển động trong nước. Các kiểu bơi khác nhau được tạo bởi các kiểu chuyển động khác nhau.

Thế nào là biết bơi?

Có quy định bảo là bơi được 25m và tồn tại dưới nước được 2 phút (có nơi bảo 5 phút). Như đã nói, những quy định kiểu này và chứng chỉ bơi lội không có nghĩa gì đối với Hà Bá.

“Bơi lội an toàn là gì?

Khái niệm này được du nhập từ Australia. Nó là các biện pháp, kỹ năng, kiến thức mà người bơi cần biết, cần có để bơi lội an toàn trong nước.

Hiện khái niệm này được sử dụng rộng rãi trong tài liệu phòng chống đuối nước nước ta. Tuy nhiên, gần đây chính Australia đã thừa nhận rằng thông điệp “Bơi lội an toàn” của họ không hiệu quả. Ở Australia có quá nhiều người bơi giỏi, biết ứng phó với tình huống sông nước mà vẫn bị chết đuối.

Theo E-Bơi, đã xuống nước bơi thì không còn an toàn 100% nữa. Tai nạn sông nước là muôn hình vạn trạng nên rất khó lường. Chỉ có thể cố gắng để giảm thiểu rủi ro chứ đã xuống nước bơi là chấp nhận hên xui. Nói tóm lại, không có “Bơi lội an toàn” 100%.    

Liệu chỉ tập thở với chậu nước, tập lặn với thùng phuy.. có chống được đuối nước?

Càng biết nhiều về phòng chống đuối nước thì nguy cơ bị đuối nước càng giảm. Người được học bài bản về phòng chống đuối nước chắc chắn sẽ hành xử khác với người không được học.

Trẻ em Việt Nam bị đuối nước nhiều là do các em hầu như không được học gì về nội dung này. Khi trẻ chỉ biết bơi mà không biết phòng chống đuối nước thì còn nguy hiểm hơn vì các em tưởng như thế là đã đủ an toàn.

Thật lý tưởng nếu các em vừa được phòng chống đuối nước vừa được học bơi, còn nếu chưa thể học bơi thì nên cho các em bắt đầu trước với phòng chống đuối nước.

Học phòng chống đuối nước

Để thấy nguy tránh ngay

Chớ dại mà thử sức

Hà Bá bắt có ngày

Việc tập thở với chậu nước, lặn thụt dầu trong thùng phuy giúp các em từng bước có kỹ năng thở, lặn, có cảm giác nước… và có ý thức về sự nguy hiểm, về tính bất thường của môi trường nước.

Hai kỹ năng trên cùng với các kiến thức của 10 Biết về phòng chống đuối nước có trong “Trẻ em cần học gì để phòng chống đuối nước” đăng trên báo Gia đình mới ngày 2/4/2019 sẽ giúp các em nhận thức tốt hơn, hành xử thận trọng hơn với môi trường sông nước. Tri thức là sức mạnh. Càng biết nhiều thì càng hạn chế được rủi ro.

  Trẻ mẫu giáo học bơi

Trẻ mẫu giáo học bơi

"Học bơi trên cạn" - nên hiểu cụm từ này thế nào?

Khi nói tới học bơi, đa số thường hình dung là phải xuống nước chứ học bơi trên cạn nghe buồn cười. Nhưng việc học bơi trên cạn đã có từ xa xưa, nó đơn giản là:  

Học bơi = Học (trên cạn) + Bơi (dưới nước)

Nếu đã học mọi thứ tốt trên cạn thì xuống nước thực hành sẽ rất nhanh, bơi đúng, bơi đẹp. Hiện các vận động viên bơi lội đỉnh cao có những thiết bị khá hiện đại để luyện tập trên cạn. 

  Máy tập bơi

Máy tập bơi

Tập thở với chậu nước, tập lặn thụt dầu với thùng phuy là chính các bài tập trên cạn giúp người tập có trải nghiệm với nước, có cảm giác nước để rút bớt thời gian tập luyện dưới nước.

Biết Chuyển động trong nước

Bơi lội so di chuyển trên cạn giống và khác nhau thế nào?

Khác ở chỗ, bơi dưới nước, đi bộ trên cạn. Giống ở chỗ, bơi và đi bộ đều phải có nhịp điệu và là sự lặp đi lặp lại của tay chân, thân người trong nước hay trên cạn.

Đi lại hay Dancing phải có nhịp điệu thì bơi lội cũng vậy. Bơi ếch có nhịp điệu của bơi ếch, bơi trườn sấp có nhịp điệu của bơi trườn sấp, bơi bướm có nhịp điệu riêng của nó. Người say rượu thì đi lảo đảo khác người đi bình thường, còn tập bơi mà thấy bơi không có nhịp điệu thì chắc chắn là bơi sai. 

Bơi ếch bơi theo nhịp điệu nào?

Bơi ếch là bơi giống con ếch và được thực hiện theo nhịp điệu, vòng lặp sau:

---- (Quạt tay / Vươn đầu thở vào + Đạp chân / Lướt nước, thở ra) ---- x n lần

Hiện có kiểu bơi ếch nhô đầu khỏi mặt nước; kiểu bơi ếch lúc nhô đầu, lúc chìm đầu và kiểu bơi ếch chồm thường dùng để thi đấu. Kỹ thuật bơi ếch khá khó. Trẻ nhỏ sức yếu, ít khi bơi ếch đúng.

Trẻ từ 4 tuổi tới 10 tuổi nên học Bơi tự cứu Dịch cân kinh, khi thể chất tốt hơn, khả năng nhận thức tốt hơn mới nên học bơi ếch. Có nơi chọn bơi trườn sấp là môn bơi vỡ lòng cho trẻ.

  Nguyễn Thị Ánh Viên bơi ếch

Nguyễn Thị Ánh Viên bơi ếch

Di chuyển trên mặt đất khác với di chuyển trong nước thế nào?

Việc di chuyển trên mặt đất (bò, đi, chạy, nhảy…) có thể được coi là việc “ngụp lặn” trong một đại dương sâu thẳm chứa đầy không khí với đáy là mặt đất - điểm tựa tĩnh. Lực – Phản lực sinh ra do chân tác dụng lên mặt đất giúp người hay vật tiến lên. Sức cản của không khí là không đáng kể. Ở trong nước, nhiều chuyện thay đổi:

  • Phản lực luôn nhỏ hơn Lực: Tuy hướng của Lực – Phản lực vẫn như cũ (muốn bơi sang trái thì đẩy nước sang phải; muốn tiến lên phải đẩy nước ra sau…) nhưng phản lực luôn nhỏ hơn lực. Nước đã hấp thu một phần lực để dịch chuyển (điểm tựa động) theo hướng bị tác động, phần còn lại sẽ bị biến thành phản lực đẩy vật hay người dịch chuyển. Cú đạp vào thành bể bơi sẽ đẩy người lướt xa hơn so với cú đạp vào nước với cùng cường độ. Tuy nhiên, do lực Archimedes làm người nhẹ đi nên dù phản lực nhỏ hơn thì người vẫn lướt được khá xa;
  • Các cặp Lực – Phản lực có thể triệt tiêu nhau: Nước là điểm tựa động bao quanh người nên bất cứ một chuyển động nào của cơ thể cũng đều tạo ra cặp Lực – Phản lực, mà trong vòng lặp (chu kỳ) bơi lội, các cặp lực sinh ra loạn xạ này có thể triệt tiêu nhau nên nhiều người dù hùng hục quạt đạp mà vẫn không bơi được xa;
  • Độ trễ của Phản lực: Vì nước bị dịch chuyển khi bị tác động nên phản lực sinh ra luôn bị trễ hơn so với thời điểm lực tác động. Ở trên cạn, cặp Lực – Phản lực sinh ra tức thời nên việc chuyển tư thế rất nhanh, từ nằm sấp sang đứng thẳng, từ tư thế này sang tư thế khác nhưng ở dưới nước thì việc chuyển tư thế bị “trễ” hơn. Bằng chứng: Người mới học bơi thường luống cuống khi đứng lên từ tư thế thả nổi sấp;
  • Lực cản của nước lớn: Để giảm lực cản, khi bơi thân người phải chuyển động song song với mặt nước và ngay sát với mặt nước. Bơi xiên xiên hay bơi chìm sâu quá thì lực cản của nước lớn.

Bơi thế nào cho đẹp, đỡ tốn sức?

Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Xin thưa, để bơi đẹp, đỡ tốn sức, một vòng lặp bơi lội cần hội đủ 5 yếu tố - 5 Đúng sau:

  • Đúng đường hay đúng hình dáng chuyển động. Tức là tay chân, thân người cần chuyển động theo một quỹ tích tối ưu nhất để bơi đạt hiệu quả nhất. Các kiểu bơi khác nhau có các hình dáng chuyển động đặc trưng khác nhau. Mỗi kiểu bơi đều có một hình dáng chuyển động tối ưu.
  • Đúng thời điểm: Yếu tố này chú trọng vào sự phối hợp các động tác trong một kiểu bơi. Ví dụ: Khi bơi ếch, lúc nào quạt, lúc nào đạp, lúc nào vươn thở, lúc nào lướt nước... mọi thứ đều phải được thực hiện đúng thời điểm. Sớm quá, muộn quá đều dở;
  • Đúng cường độ lực: Tức là Cương – Nhu đúng lúc. Lúc nào cơ bắp cần Cương thì phải Cương, lúc nào cơ bắp cần Nhu thì phải Nhu. Cương – Nhu loạn xạ sẽ không bơi xa được mà nhanh mệt;
  • Đúng điểm đến của Phản lực: Có nghĩa là phản lực tạo ra bởi bàn tay, bàn chân, cẳng chân phải chuyển được tới thân người thì mới bơi tới được. Người ta có thể đứng trên thuyền và phang mái chèo xuống nước làm mái chèo vỡ, gẫy mà thuyền không hề di chuyển;
  • Đúng nhịp sinh học: Bình thường, một phút người ta hít thở khoảng 12 – 15 lần; nhịp tim là 60 – 90 lần / phút. Nước có lực cản lớn nên bơi cần nhiều sức hơn đi bộ. Người bình thường, ít luyện tập, nếu bơi với nhịp sinh học vượt quá 40% nhịp sinh học bình thường thì sẽ nhanh mệt. Những vận động viên bơi lội đỉnh cao phải tập luyện với những chế độ đặc biệt để thích nghi với nhịp sinh học bất thường khi thi đấu.

Phối hợp sai các yếu tố trên sẽ gây ra các lỗi gì?

Có thể gây ra vô vàn lỗi. Ví dụ quạt đạp loạn xạ, Lực – Phản lực sẽ triệt tiêu nhau, hoặc lại quạt đạp lào phào quá cũng không có lực, không bơi được; đầu nổi thân chìm gây lực cản lớn, co đầu gối vào bụng rồi đạp ra làm mông nhấp nhổm trong bơi ếch; vặn thân, vặn chân tay hay tay vào nước sai trong bơi trườn sấp; chân tay phối hợp không đồng bộ trong các kiểu bơi; đầu lao xuống sâu quá trong bơi bướm, thân chìm sâu và xiên trong bơi ếch…  Nói tóm lại là vô vàn lỗi.

Bạn đọc có thể học về chuyển động bơi lội qua mấy vần thơ dưới đây:

Biết mình - Bạn đã học

Biết nước - Cũng xong rồi

Thở - Lặn nổi qua hết

Thêm Chuyển động ta bơi

 

Chuyển động khá quan trọng

Nó - Miếng ghép cuối cùng

Thở - Lặn/ Nổi  – Chuyển động

Bơi lội - Bức tranh chung

 

Khi bạn ở trên cạn

Chân đạp đất mà đi

Đất chính là điểm tựa

Đi lại chẳng khó gì

 

Ở dưới nước – Điểm tựa

Sẽ phải là nước thôi

Nhưng khắp nơi là nước

Điểm tựa ư? - Quanh người!

 

Đặt điểm tựa không đúng

Lực sinh triệt tiêu nhau

Dù vùng vẫy cật lực

Cũng chẳng bơi được đâu

 

Khi muốn bơi tới trước

Phải đẩy nước ra sau

Quạt, đạp mạnh, dứt khoát

Lờ vờ bơi đi đâu?

 

Muốn quay người sang trái

Điểm tựa là đâu đây?

Chắc chắn là bên phải

Biết rồi, đạp, quạt ngay

 

Muốn đẩy đầu lên thở

Lại điểm tựa đâu đây?

Chắc chắn là phía dưới

Quạt đạp mạnh xuống ngay…

 

Nhưng nước không phải đất

Có phản ứng tức thời

Sau quạt, đạp đợi téo

Từ từ, nước trả lời

Nước có lực cản lớn

Chuyển động phải thật khôn

Cương nhu luôn luân chuyển

Tránh tay mỏi, chân chồn.

 

Bơi chỉ là vũ điệu

Thực hiện dưới nước sâu

Vũ điệu phải có nhịp

Uyển chuyển, vội đi đâu.

 

Bơi chỉ là bức họa

Ba miếng ghép khác màu

Thở - Lặn nổi– Chuyển động

Trên mặt vải – Nước sâu.

Cách bạn tự học các kiểu bơi

Trước hết bạn học thở, lặn thụt dầu và thả nổi trứng rồi học bơi theo trình tự sau:

  • Bơi tự cứu Dịch cân kinh;
  • Bơi chó;
  • Bơi ếch hoặc bơi trườn sấp;
  • Bơi ngửa;
  • Bơi bướm; và
  • Sáng tạo ra các kiểu bơi khác…

Trước khi học kiểu bơi nào đó, bạn phải hiểu nhịp điệu của kiểu bơi đó, giống như muốn dancing kiểu nào phải biết nhịp điệu của kiểu dancing đó.

Bơi bướm rất đẹp và không khó học như bạn tưởng. Nếu bạn xem video dưới đây mà nhận ra nhịp điệu và hình dáng chuyển động của nó thì chắc chắn bạn có thể học bơi bướm. 

Phạm Anh Tuấn

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính