CDC Hà Nội thông tin, bệnh nhân nam 34 tuổi ở huyện Mỹ Đức khởi phát bệnh vào ngày 29/8 với các triệu chứng: Sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi.
Đến ngày 31/8, bệnh nhân xuất hiện ban đỏ nổi từ mặt lan xuống thân. Ngày 4/9, bệnh nhân được điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân dương tính với bệnh sởi.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố ghi nhận 3 ca mắc sởi nhưng chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Trước tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội với phương châm “phòng hơn chống”, CDC Hà Nội đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, CDC Hà Nội đã tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố; phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế được phân công giám sát; lấy mẫu trường hợp nghi ngờ mắc sởi - rubella để xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời tại cộng đồng, không để dịch lây lan.
Đồng thời, tích cực phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát đối tượng tiêm vắc-xin sởi để không bỏ sót đối tượng; bố trí đủ vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cùng với đó, CDC Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin sởi để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9 - 12 tháng tuổi và vắc-xin sởi cho trẻ 18 - 24 tháng tuổi; thường xuyên kiểm tra công tác tiêm chủng cũng như phòng, chống dịch của các quận, huyện, thị xã. CDC Hà Nội cũng phối hợp rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi...
Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2024, CDC Hà Nội tích cực phối hợp với các đơn vị sẵn sàng chuẩn bị, tăng cường điều tra, lập danh sách các đối tượng tiêm theo quy định của Bộ Y tế, tránh bỏ sót; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chiến dịch tiêm chủng này nhằm giúp tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.
Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với báo, đài đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi, không xảy ra tình trạng hoang mang lo lắng, nhưng cần chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cực nhanh, 90 -100% người chưa tiêm vắc-xin, hoặc chưa từng mắc bệnh tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ bị mắc.
Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, là đối tượng rất dễ bị mắc bệnh sởi do hệ miễn dịch non yếu và giảm dần kháng thể bảo vệ từ mẹ sau khi sinh ra.
Một người nhiễm bệnh có thể lây cho 20 người khỏe mạnh. Người nhiễm virus sởi có thể lây nhiễm cho người khác thông qua giọt bắn, dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Do vậy, bệnh sởi rất dễ lây lan ở những nơi đông người như khu dân cư, khu công nghiệp, trường học, ký túc xá, bệnh viện…
Để phòng bệnh sởi, các chuyên gia khuyến cáo, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sởi nên tiêm phòng sởi đầy đủ là trẻ chưa được tiêm vắc-xin; thanh, thiếu niên, người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vắc-xin trước đây; người lớn tuổi có bệnh nền mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, phổi, đái tháo đường; phụ nữ chuẩn bị có thai.
An AnBạn đang xem bài viết Hà Nội ghi nhận trường hợp thứ 3 mắc sởi, là một người đàn ông ở Mỹ Đức tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].