Hà Nội chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi

Trước tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp, với phương châm “phòng hơn chống”, ngành y tế Thủ đô đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi trên địa bàn thành phố.

Bệnh sởi nguy hiểm thế nào?

Theo Bộ Y tế, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh  do virus sởi gây ra. Virus lây qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp cúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Bệnh sởi là một bệnh rất dễ lây, những người chưa được tiêm vắc-xin sởi hay chưa từng bị mắc sởi trước đó thì khả năng bị mắc bệnh sởi là rất cao nếu có tiếp xúc với bệnh nhân.

Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Người bệnh có biểu hiện sốt, viêm long đường hô hấp, tiêu hóa, kết mạc mắt và nổi ban đặc trưng. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên dễ mắc các biến chứng. Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não… là các biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi có thế dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Phụ nữ mắc sởi khi mang thai cũng có thể gây ra sảy thai, đẻ non.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, hiện nay, tình hình dịch sởi đang ngày càng trở nên khó khăn, thách thức cho cả nước. Trong thời gian tới, Bộ Y tế có thể mở rộng đối tượng tiêm cho những trẻ đến 10 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin. Đồng thời, các đơn vị tổ chức tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế có nguy cơ và thường xuyên tiếp xúc với trẻ mắc bệnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, lũy tích trên địa bàn thành phố từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 2 ca mắc sởi. Ngay từ đầu năm, CDC Hà Nội đã chủ động thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về việc tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn thành phố; phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng và cơ sở y tế được phân công giám sát; lấy mẫu trường hợp nghi ngờ mắc sởi - rubella để xét nghiệm, tổ chức cách ly và xử lý ổ dịch kịp thời tại cộng đồng, không để dịch lây lan.

Để phòng bệnh sởi, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Ảnh minh họa

Để phòng bệnh sởi, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Ảnh minh họa

Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Sắp tới là thời điểm trẻ vào năm học mới nên nguy cơ lây bệnh sởi vẫn hiện hữu, đặc biệt ở trường mầm non và trường triểu học. Chính vì vậy, ngành y tế Hà Nội cũng tích cực tổ chức tiêm vắc-xin trước khi trẻ nhập học.

Theo đó, CDC Hà Nội tích cực phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát đối tượng tiêm vắc-xin sởi để không bỏ sót đối tượng; bố trí đủ vắc-xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

CDC Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin sởi để phòng chống dịch cho trẻ từ đủ 9 - 12 tháng tuổi và vắc-xin sởi cho trẻ 18 - 24 tháng tuổi; thường xuyên kiểm tra công tác tiêm chủng cũng như phòng, chống dịch của các quận, huyện, thị xã. CDC Hà Nội cũng phối hợp rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi...

Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi năm 2024, CDC Hà Nội tích cực phối hợp với các đơn vị sẵn sàng chuẩn bị, tăng cường điều tra, lập danh sách các đối tượng tiêm theo quy định của Bộ Y tế, tránh bỏ sót; tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi đảm bảo an toàn, hiệu quả. Chiến dịch tiêm chủng này nhằm giúp tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi.

Đồng thời, CDC Hà Nội đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với báo, đài đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân trong chủ động phòng, chống dịch bệnh sởi, không xảy ra tình trạng hoang mang lo lắng, nhưng cần chủ động đưa trẻ em đi tiêm chủng vắc-xin sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3 - 5 năm. Trong đó, việc tiêm vắc-xin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh chủ động, hiệu quả, giảm nguy cơ mắc và biến chứng do bệnh gây ra; chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95%.

Hiện, vắc-xin phòng bệnh có thành phần sởi như sởi đơn, sởi - quai bị - rubella có thể tiêm được cho trẻ từ 9 tháng tuổi và người lớn. Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin phòng sởi có hiệu quả đến 98%.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cần hoàn thành lịch tiêm sởi - quai bị - rubella trước mang thai 3 tháng để tránh mắc bệnh và truyền kháng thể bảo vệ thai nhi và con ở những tháng đầu đời khi chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi.

Để phòng chống dịch sởi, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo người dân, ngoài việc tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc-xin sởi, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; hạn chế tụ tập đông người; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng, các khu vực tập trung đông người...

An Nhiên/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính