Hà Nội: Đã có 148 trường hợp mắc sởi

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, nếu trong tháng 4 và đầu tháng 5/2018, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận 2 - 6 ca bệnh sởi/tuần, thì nửa đầu tháng 6/2018, con số này là 20 ca/tuần.

Tính từ đâu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã có 148 trường hợp mắc sởi. Đáng chú ý là trong số các trường hợp mắc sởi do chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh, có rất nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.

Có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng bị bệnh sởi

Có nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi, tức là những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng bị bệnh sởi

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số ca mắc sởi năm nay dự báo tăng cao, vì theo quy luật cứ 4 - 5 năm dịch sởi sẽ quay lại.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học.

Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh thường là 12 - 14 ngày, nhưng có thể kéo dài đến 21 ngày. Thời kỳ lây truyền là từ 1 ngày trước khi bắt đầu giai đoạn tiền triệu chứng (thông thường khoảng 4 ngày trước khi phát ban) đến 4 ngày sau khi xuất hiện ban, ít nhất là sau ngày thứ 2 phát ban.

Bệnh có những biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), sổ mũi (chảy nước mũi). Trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng và biến chứng viêm não. Vì vậy, khi trẻ chẳng may bị sởi, cha mẹ cần chú ý để phát hiện sớm biến chứng viêm phổi.

Tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi cho trẻ

Tiêm phòng vắc-xin theo khuyến cáo là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi cho trẻ

Trước tình hình bệnh sởi đang gia tăng tại Hà Nội, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và các quận, huyện, thị xã giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, kịp thời triển khai giải pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng.

Hiện, thành phố đã tổ chức tiêm chủng hàng tuần thay vì hàng tháng như trước đây để tạo điều kiện cho nhiều trẻ được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

Các trung tâm y tế của quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ rà soát số trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh sởi theo đúng quy định. Sở Y tế cũng khuyến cáo phụ nữ trước khi mang thai cần đi tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi - rubella (tối thiểu 3 tháng trước khi mang thai) để phòng bệnh cho mẹ và con.

Đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế yêu cầu phân luồng bệnh nhân nghi mắc sởi ngay từ khu vực phòng khám, bố trí khu vực cách ly, điều trị bệnh sởi để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đồng thời tuyên truyền cho người nhà bệnh nhân khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế để tránh phát tán mầm bệnh.

Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính