GS.TS Phạm Nhật An 'điểm danh' các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không kém COVID-19

Công tác lâu năm trong ngành truyền nhiễm, chứng kiến nhiều dịch bệnh hoành hành, GS.TS Phạm Nhật An cho biết còn có nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không kém COVID-19.

  GS.TS Phạm Nhật An – Nguyên Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương và hiện là Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện ĐK QT Vinmec

GS.TS Phạm Nhật An – Nguyên Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương và hiện là Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện ĐK QT Vinmec

Không được coi nhẹ bất kỳ dịch bệnh nào

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát làm nhiều người lo sợ dịch một cách thái quá, bỏ quên hoặc coi nhẹ các dịch bệnh khác. Trong lịch sử nhân loại, đã có những bệnh dịch nguy hiểm lây lan hầu khắp các châu lục với tỷ lệ mắc bệnh rất cao, làm chết từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu người như bệnh dịch hạch, bệnh đậu mùa, bệnh dịch cúm "Tây Ban Nha - 2018"... nhưng dần đã được khống chế, thậm chí đã thanh toán được trên phạm vi toàn cầu (như bệnh dịch thuỷ đậu).

Gần đây đã xuất hiện những bệnh dịch "mới nổi" - tức là những bệnh dịch mới như bệnh dịch Ebola, SARS-CoV1, MERS-CoV... và hiện tượng "quay trở lại" gây bệnh dịch nặng nề của một số bệnh dịch trước đây đã được khống chế khá hiệu quả như dịch bệnh sởi, ho gà, cúm... - được gọi là các dịch bệnh "tái nổi".

Theo GS.TS Phạm Nhật An – Nguyên Phó giám đốc, kiêm Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương và hiện là Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec, nếu coi nhẹ công tác phòng chống đang được áp dụng thì các bệnh truyền nhiễm khác có sẽ bùng phát, nguy hiểm không kém, thậm chí một số bệnh truyền nhiễm khi mắc còn có nguy cơ tử vong cao hơn COVID-19.

  Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không kém COVID-19. Ảnh minh họa

Nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không kém COVID-19. Ảnh minh họa

Viêm não Nhật Bản gây tử vong nhanh

Nói về sự nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản, GS.TS Phạm Nhật An kể lại: “Vào những năm đầu thập kỷ 1990 - khi vắc xin phòng bệnh viêm não nhật bản còn chưa được phổ cập - bệnh viêm não Nhật Bản bùng phát mạnh tại Việt Nam khiến cho trẻ nhập viện rất nhiều.

Bệnh này nguy hiểm ở chỗ, nếu trẻ không được cấp cứu, điều trị kịp thời trẻ sẽ bị co giật, hôn mê, suy hô hấp, ngừng thở... và tử vong rất nhanh.

Tôi nhớ khi đó, bệnh nhi nằm la liệt tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, không có đủ giường nằm, nhiều cháu phải nằm giường phụ, cáng... ngoài hành lang.

Triệu chứng chung của các trẻ khi đó là sốt cao, co giật, ngừng thở, tím tái... chúng tôi phải đặt nội khí quản hàng loạt cho các bé, lắp bóng và bóp bóng cho bé, tiêm thuốc chống co giật, hạ sốt, truyền dịch chống phù não”.

Nhớ lại những ngày dịch bệnh khó khăn đó, giáo sư Nhật An vẫn còn nguyên cảm xúc bất an vì sợ, vì lo cho tính mạng của các bé.

  Một bệnh nhi ở Hòa Bình bị viêm não Nhật Bản biến chứng nặng dẫn đến rơi vào tình trạng thực vật suốt 2 năm

Một bệnh nhi ở Hòa Bình bị viêm não Nhật Bản biến chứng nặng dẫn đến rơi vào tình trạng thực vật suốt 2 năm

Bệnh nhi viêm não Nhật Bản bị ngừng thở buộc phải đặt nội khí quản đông đến mức không đủ nhân viên y tế để bóp bóng. Cực chẳng đã nhân viên y tế phải hướng dẫn và giao cho người nhà bóp bóng giúp trẻ thở.

Dù các thầy thuốc đã gồng mình chống đỡ nhưng tỷ lệ các bé tử vong vì viêm não Nhật Bản thời điểm đó vẫn cao, di chứng để lại cũng khá nhiều.

Nhưng, bên cạnh những ca bệnh xấu số đó vẫn le lói những điều kỳ diệu giúp các y bác sĩ có thêm động lực để chiến đấu với dịch bệnh.

Điển hình là trường hợp một bé gái bị viêm não Nhật Bản với các triệu chứng sốt cao, co giật, hôn mê sâu, ngừng thở, phải đặt nội khí quản, thở máy.

Bác sĩ Nhật An và các đồng nghiệp của mình khi đó nghĩ rằng bé sẽ không qua khỏi hoặc sẽ gặp phải di chứng rất nặng.

Nhưng sau khi được điều trị tích cực, bé đã phục hồi, thoát được máy... và sau hơn 1 tháng nằm viện bé được ra viện trong tình trạng chân tay co cứng, không nói được... do di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản.

“Thời gian đầu sau ra viện, gia đình vẫn thường đưa bé đến bệnh viện để được hướng dẫn cách phục hồi chức năng cho trẻ.

Và bất ngờ là khoảng 10 năm sau, cô bé ốm yếu, di chứng ngày nào đã trưởng thành và cùng gia đìnhh tìm đến thăm tôi với tình trạng sức khỏe, trí tuệ tương đối bình thường, tay chân nhanh nhẹn.

Tay chân miệng gây biến chứng hiếm gặp

Bé hơn 2 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội bị bệnh tay chân miệng thể viêm não nặng. Trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng ngừng thở, sốc nặng, phải thở máy dài ngày, lọc máu và phải mở khí quản vì thở máy lâu.

Tình trạng của bé rất nặng, khiến mọi người đều nghĩ bé sẽ không qua được. Vậy mà bé đã được cứu sống. Các bác sĩ phải nỗ lực điều trị mãi bé mới cai được máy thở, nhưng để lại di chứng tổn thương thân não rất phức tạp.

Ban ngày, khi trẻ thức, các hoạt động về thở, tim đều bình thường, có thể tháo nội khí quản ra, trẻ chơi bình thường, đi lại được.

  Bệnh tay chân miệng rất dễ lây

Bệnh tay chân miệng rất dễ lây

Nhưng đến đêm, khi trẻ ngủ say, não lại bị ức chế phần thân não (trung tâm điều hòa nhịp thở, nhịp tim tự động) khiến trẻ ngừng thở, tím tái, thiếu oxy, gây có giật và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Chính vì vậy nên chúng tôi phải để trẻ ở lại bệnh viện theo dõi; ban đêm cho trẻ thở máy để hỗ trợ..., suốt khoảng 6 tháng liên tục. Vì không thấy có dấu hiệu phục hồi chức năng thân não và ngoài việc hỗ trở thở máy ban đêm trẻ không cần điều trị đặc biệt nào khác nên để trẻ có thể về với cuộc sống bình thường tại gia đình, bệnh viện đã vận động các nhà hảo tâm mua tặng bé máy thở. 

Thời gian đầu, hàng ngày chúng tôi cắt cử nhân viên y tế luân phiên đến nhà hướng dẫn người thân bé cách sử dụng máy thở và theo dõi sức khỏe cho bé.

Khi mọi việc đã quen và thuận lợi, gia đình đã tự có thể vận hành máy thở cho bé thì nhân viên y tế không cần đến nữa.

Cứ nghĩ mọi việc diễn ra tốt đẹp, nhưng đến khoảng hơn 1 năm sau, chúng tôi thật buồn nhận được hung tin, em bé gặp sự cố hoặc bệnh nặng đột ngột. Dù đã được đưa đi bệnh viện cấp cứu tại bệnh viện huyện địa phương nhưng bé đã không qua khỏi” – GS Phạm Nhật An xúc động kể lại.

Sởi lây lan nhanh và gây biến chứng nặng

Mặc dù bệnh sởi đã có vaccine phòng bệnh nhưng mỗi năm vẫn có rất nhiều trẻ mắc sởi, có trẻ bị biến chứng nặng dẫn đến tử vong.

GS Phạm Nhật An cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến dịch sởi bùng phát ở Việt Nam dù đã có vaccine phòng bệnh, trong đó phải kể đến trào lưu anti-vaccine – một trào lưu nguy hiểm.

"Tôi nhớ rằng khi Việt Nam và thế giới bùng phát dịch sởi, thời điểm đó có nhiều mẹ bỉm sữa cổ xúy trào lưu anti vaccine, không tiêm phòng cho con với suy nghĩ cho con sống thuận với tự nhiên”.

Và kết quả là rất nhiều trẻ bị sởi nặng, phải vào nhập viện điều trị; và cũng vì tỷ lệ trẻ tiêm phòng ít nên khi trẻ bị sởi nhập viện đã lây lan bệnh cho các trẻ khác (chưa được tiêm phòng sởi) đến khám và điều trị trong bệnh viện.

GS.TS Phạm Nhật An 'điểm danh' các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm không kém COVID-19 4

Nguy hiểm hơn nữa, trẻ đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám và điều trị thường là có bệnh nặng, giờ lại lây nhiễm thêm bệnh sởi, bệnh càng nặng và dễ tử vong hơn.

“Thời gian gần đây nhiều người dân lo lắng, sợ hãi thái quá về dịch bệnh COVID-19, mà không biết rằng, nếu không tuân thủ phòng ngừa, không cho trẻ tiêm phòng sởi theo khuyến cáo thì bệnh sởi cũng nguy hiểm không kém COVID-19. Sởi có khả năng lây lan nhiều hơn COVID-19, trung bình một người bị COVID-19 có thể lây cho 3 người thì sởi có thể lây cho hơn 10 người.

Vậy nên, cần chú ý phòng ngừa tất cả các loại bệnh truyền nhiễm chứ không nên sợ hãi COVID-19 rồi lơ là việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm khác, trong khi thời tiết mùa xuân là thời điểm dễ mắc cúm, sởi, thủy đậu…” – GS Nhật An lưu ý.

Sốt xuất huyết dễ tử vong nếu điều trị sai cách

Sốt xuất huyết cũng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nếu không được điều trị sớm, điều trị đúng cách, người bệnh sẽ có nguy cao đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

GS.TS Phạm Nhật An giải thích: “Sở dĩ trước đây tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết cao là do chẩn đoán muộn và hay mắc phải những sai lầm trong quá trình điều trị.

Trước đây người dân cứ hễ bị sốt cao, đau đầu thường dùng thuốc cảm cúm APC (với các thành phần giúp chống cảm cúm, hạ sốt, giảm đau đầu, trong đó A (Aspirin), P (Phenacetin), C (Caffein)).

Thuốc này dùng trong điều trị sốt xuất huyết sẽ gây chảy máu nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng”.

  Việc truyền dịch trong điều trị sốt xuất huyết cần được chỉ định đúng. Ảnh minh họa

Việc truyền dịch trong điều trị sốt xuất huyết cần được chỉ định đúng. Ảnh minh họa

Một sai lầm nữa khi điều trị sốt xuất huyết được vị chuyên gia truyền nhiễm này chỉ ra là việc truyền dịch không đúng.

Trong sốt xuất huyết có một cơ chế gây thoát dịch ra ngoài lòng mạch, gây ra hiện tượng phù tế bào, phù tổ chức.

“Người bệnh đang sốt, mệt, không ăn uống được nên cứ nghĩ truyền dịch vào lòng mạch là sẽ tốt nhưng thực ra là dịch đang thoát, truyền vào sẽ thoát tiếp và gây phù não, phù tế bào…, nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy việc truyền dịch trong điều trị sốt xuất huyết cần được chỉ định đúng (đúng chỉ định, đúng lúc, đúng loại dịch... và phải được điều chỉnh, thay đổi theo thời gian, diễn biến của bệnh cả trên lâm sàng và các chỉ số xét nghiệm)” – GS Nhật An giải thích.

Do đó, khi phát hiện chính mình hoặc người thân bị bệnh, tốt nhất nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế gần nhất. Đồng thời cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ, uống nhiều nước, nhất là dung dịch điện giải, nước sinh tố, ăn đồ dễ tiêu hoá…

Nếu có các triệu chứng xấu như mệt lả, nôn nhiều, đau bụng vùng gan, xuất huyết nhiều, hạ thân nhiệt, chân tay lạnh, ý thức u ám lơ mơ... cần đưa ngay đến bệnh viện để cấp cứu.

Vì sao hàng năm các bệnh truyền nhiễm vẫn tái đi tái lại? Nguyên nhân một phần là do dự phòng bệnh không tốt. Vậy nên, cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho cộng đồng để giúp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm lây lan thành dịch.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính