Sáng 19/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội và 63 điểm cầu tỉnh/thành phố với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương; các chuyên gia, nhà giáo lão thành, đại diện các cơ sở giáo dục.
Tới dự tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục
Với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, năm học 2023-2024, ngành Giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nêu một số kết quả nổi bật năm học 2023 – 2024. Theo đó, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Qua đó, đánh giá toàn diện kết quả 10 năm đổi mới và đề xuất định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, ngành Giáo dục tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương.
Khẳng định, công tác phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục THCS và xoá mù chữ tiếp tục được quan tâm, Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ, đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11 trên phạm vi cả nước.
Việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ. Đặc biệt, việc cố gắng giảm giá thành sách giáo khoa từ năm học 2024 - 2025 đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của ngành Giáo dục trước thềm năm học mới, giúp giảm đi gánh nặng cho xã hội, nhất là đối với phụ huynh, các em học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng lên.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Tự chủ giáo dục đại học từng bước đi vào thực chất…
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh 12 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm học 2024 - 2025.
Thủ tướng nhấn mạnh phương châm 5 điểm trong đổi mới giáo dục
Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả đã đạt được của ngành giáo dục trong năm học 2023 - 2024. Bên cạnh đó, nhìn nhận những tồn tại, khó khăn, Thủ tướng đồng thời nêu một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm với ngành giáo dục như: Chuẩn bị chu đáo trong năm học 2024-2025; tổ chức lễ khai giảng 5/9, tạo không khí vui tươi. Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Bộ GD&ĐT cần tập trung xây dựng Luật Nhà giáo, xây dựng các chiến lược phát triển giáo dục; Tổng kết toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, do đó Thủ tướng yêu cầu, cần chuẩn bị kỹ, chu đáo, tổ chức kỳ thi an toàn, thiết thực, giảm áp lực và chi phí cho phụ huynh, thí sinh.
Thủ tướng yêu cầu, tiếp tục rà soát mạng lưới cơ sở mầm non, giáo dục thường xuyên, khuyết tật... Các địa phương bảo đảm quỹ đất cho giáo dục phù hợp với thực tiễn, nhất là trong bối cảnh dịch chuyển dân số.
Đặc biệt, từ kinh nghiệm thực tiễn, Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục nghiên cứu, xác định rõ và tổ chức thực hiện hiệu quả phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường là bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Theo Thủ tướng, học sinh, sinh viên không những chỉ tiếp thu kiến thức mà còn chủ động, tích cực rèn luyện đức- trí- thể- mỹ, có ý chí vươn lên, hoài bão, ước mơ, khát vọng cống hiến, phụng sự tổ quốc, nhân dân.
Thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà phải gương mẫu trong rèn luyện, luôn khích lệ, động viên, hướng dẫn, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các em học sinh, sinh viên, phát hiện, khuyến khích, tạo điều kiện cho từng học sinh, sinh viên phát huy sở trường của mình.
Nhà trường được xác định là bệ đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, điều kiện học tập, môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, bình đẳng và thuận lợi cho các em học sinh, sinh viên.
Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc, là chỗ dựa tinh thần, vật chất, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, thấu hiểu khó khăn, thách thức với từng lứa tuổi của các em học sinh, sinh viên.
Xã hội là nền tảng, tạo môi trường lành mạnh về pháp lý, văn hóa, đạo đức, kiến thức, tạo ra xã hội học tập, nhất là trong điều kiện phát triển xã hội số, công dân số.
V.LinhBạn đang xem bài viết Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Lấy nhà trường làm bệ đỡ, gia đình là điểm tựa" tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].