Lương y Nguyễn Thanh Thúy, Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường cho biết, hậu sản là giai đoạn 6 tuần kể từ ngày sinh. Đây là khoảng thời gian các cơ quan sinh dục dần trở lại bình thường như trước khi sinh.
Bất kì phụ nữ nào sau khi sinh con cũng bước vào thời kì hậu sản. Cho nên trong giai đoạn sinh con phụ nữ cần được chăm sóc đặc biệt, nếu không rất dễ mắc một số bệnh lý được gọi là bệnh hậu sản.
Hậu sản sau sinh là hiện tượng phụ nữ sau sinh thiếu cân, quá gầy do chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không được chăm sóc cẩn thận sau sinh.
Những người phụ nữ bị hậu sản thường có biểu hiện là cơ thể gầy yếu, khó tăng cân, sức đề kháng kém nên dễ bị nhiều bệnh tật. Đặc biệt, sau sinh nếu bị thiếu cân người mẹ dễ bị kiệt sức và suy dinh dưỡng điều này ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ và sự phát triển của bé.
“Rất nhiều phụ nữ sau sinh bị gầy mòn, ăn không thấy ngon (do tỳ hư), ngủ không ngon giấc (do tâm khí huyết hư), hoa mắt chóng mặt (huyết áp thấp, rối loạn tiền đình), đau đầu (thiếu máu lên não, thiểu năng tuần hoàn máu não), ăn uống nhiều đồ bổ dưỡng mà vẫn không cải thiện các triệu chứng trên. Tình trạng này kéo dài làm nhiều chị em rơi vào trầm cảm sau sinh, làm ra những hành động nguy hại đến sức khỏe của bản thân và em bé” – Lương y Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng hậu sản sau sinh, vị thầy thuốc này khuyên, chị em sau sinh nên thường xuyên ăn những món ăn bài thuốc được chế biến từ các vị thuốc dưới đây sẽ giúp cải thiện nhanh và hiệu quả tình trạng mệt mỏi, gầy yếu, thiếu máu, mất ngủ… sau sinh.
- Ý dĩ: Hay còn gọi là hạt bo bo, không chỉ là một loại thực phẩm mà còn là một vị thuốc quý dùng được cho cả người lớn và trẻ em. Với phụ nữ sau sinh, ý dĩ có tác dụng kiện tỳ, lợi sữa.
- Câu kỷ tử: Là vị thuốc có tác dụng vào được cả kinh Can và Thận, một mặt bổ ích Thận tinh, một mặt bổ dưỡng Can huyết nên có thể chữa được các chứng bệnh như đầu choáng mắt hoa, nhìn mờ, tai ù, điếc, lưng đau gối mỏi... Phụ nữ sau sinh dùng câu kỷ tử có tác dụng bổ thận huyết.
- Đại táo: Là vị thuốc có vị ngọt tính ôn vào hai kinh tỳ và vị. Có tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng vi sinh tân dịch, điều hoa danh vệ, hòa giải các vị thuốc khác. Dùng cho phụ nữ sau sinh có tác dụng bổ khí huyết.
- Hoài sơn: Theo Đông y, hoài sơn vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ, phế, thận và vị. Tác dụng kiện tỳ ích khí, bổ phế cố thận, ích tinh sáp niệu. Trị các chứng tỳ hư, phế hư, thận hư với các triệu chứng ăn kém, chậm tiêu, tiêu chảy, gầy còm mỏi mệt. Với phụ nữ sau sinh dùng hoài sơn có tác dụng bổ khí, kiện tỳ.
- Thục địa: Là vị thuốc có công dụng tư âm, dưỡng huyết, bổ Can, ích Thận, ích tinh, bổ tủy, tuấn bổ chân âm, kèm bổ huyết. Do vậy, thục địa là vị thuốc chủ lực của nhiều bài thuốc bổ thận cho những trường hợp vô sinh ở cả nam lẫn nữ, tăng cường sức khỏe nói chung, sức khỏe tình dục nói riêng.
- Phòng đảng sâm: Theo Đông y, đảng sâm vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ và phế, có tác dụng bổ trung, ích khí, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng huyết, dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, khí hư huyết hư, thể trạng mệt mỏi vô lực, ăn kém, sa tử cung, sa trực tràng, sa dạ dày ruột…, rất tốt cho phụ nữ sau sinh.
- Đương quy: Theo y học cổ truyền, các phần khác nhau của củ đương quy có tác dụng khác nhau. Phần trên cùng (quy đầu) chỉ huyết, phần thân giữa (quy thân) bổ huyết và phần rễ (quy vĩ) thiên về hoạt huyết, ngăn ngừa tình trạng ứ huyết. Các thầy thuốc y học cổ truyền thường sử dụng các bài thuốc có vị đương quy để điều trị các bệnh về tuần hoàn, hô hấp và sinh sản. Với phụ nữ sau sinh, dùng đương quy có tác dụng bổ huyết, giúp tăng cường sức khỏe.
Việc sản phụ thường xuyên ăn những món ăn có chứa các vị thuốc Đông y kể trên sẽ giúp khí huyết dồi dào, dinh dưỡng cho toàn cơ thể, sức khỏe sẽ cải thiện, ăn ngon và ngủ tốt.
Phương pháp sử dụng các vị thuốc này rất đơn giản và đa dạng, có thể dùng các vị thuốc để hầm cùng gà, hầm chim bồ câu, nấu với thịt chân giò, đuôi bò… tùy sở thích, khẩu vị mỗi người.
Khi hầm gà, chị em nên cho thêm vào một chút lá ngải cứu. Hầm nhừ giúp các vị thảo dược thấm tinh hoạt chất hoà quyện vào thực phẩm, món ăn ngon và bổ dưỡng .
Với người tạng hàn (cơ thể lạnh), đại tiện lỏng, cần cho thêm gừng hầm cùng. Sau khi ninh nhừ có thể ăn được các vị thảo dược có trong canh.