Ngày 28/3, Bệnh viện Việt Đức thông tin cho biết, khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên của bệnh viện này vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.T. vào điều trị trong tình trạng đau cổ chân do chơi bóng đá, đau dai dẳng kéo dài suốt 1 năm nhưng không rõ bệnh.
Được biết, cách đây 1 năm, sau khi bị chấn thương trong lúc đá bóng, anh T. đã đến 1 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội khám. Tại đây, bệnh nhân có chỉ định chụp Xq nhưng không thấy tổn thương gãy xương, trật khớp nên được cho thuốc về điều trị. Tuy nhiên, sau thời gian uống thuốc, bệnh nhân không hết đau mà tình trạng đau ngày càng tăng.
Anh T. đã đến một số cơ sở y tế khác điều trị nhưng tình trạng đau ở vùng chấn thương vẫn không đỡ, cũng không rõ nguyên nhân cụ thể. Mới đây, anh tìm đến Bệnh viện Việt Đức điều trị. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân chụp cộng hưởng từ và kết quả phát hiện hình ảnh tổn thương sụn xương sên ở cổ chân.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương y học thể thao và chi trên - Bệnh viện Việt Đức cho biết, chấn thương của bệnh nhân là dạng chấn thương không dễ phát hiện.
Lý do vì xương sên là loại xương nhỏ ở phần cổ chân, nằm giữa xương chày và xương bàn chân, đây là một xương dị thường trên cơ thể con người do những cấu tạo đặc biệt của nó.
Theo bác sĩ Khánh, người gặp chấn thương xương sên sẽ rất khó khăn khi vận động. Vùng cổ chân có thể bị sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt.
Sau khi chẩn đoán chính xác bệnh, bệnh nhân N.V.T đã được mổ nội soi, điều trị tổn thương. Sau mổ, hiện bệnh nhân đã hết đau, biên độ vận động được cải thiện, sau vài tuần bệnh nhân có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết thêm, những năm gần đây, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp do chấn thương thể thao, trong đó lứa tuổi từ 20 - 40 tuổi chiếm tới 70 - 80%. Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, thậm chí là tập yoga…
Đáng chú ý là nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng muộn hoặc do người bệnh chủ quan cố chịu đau, sau một thời gian không khỏi mới tìm đến bác sĩ, vì thế không ít trường hợp để lại những biến chứng đáng tiếc không thể phục hồi.
An BìnhBạn đang xem bài viết Đau chân dai dẳng suốt 1 năm do vết thương dị thường trong lúc chơi đá bóng tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].