5 chấn thương thường gặp khi đá bóng và cách khắc phục

Chấn thương là điều không thể tránh khỏi trong bóng đá. Từ những vụ va chạm trên sân cỏ hay những cú bay người đón bóng đều có thể gây ảnh hưởng đến các bộ phận trên cơ thể.

TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, bóng đá là một môn thể thao đối kháng trực tiếp, các cầu thủ phải hoạt động thể lực ở cường độ cao, thời gian vận động kéo dài nên việc xảy ra chấn thương là điều không thể tránh khỏi. Trong đó thường gặp nhất là các chấn thương sau:

1. Vết thương ngoài da

Trong khi chơi bóng đá, các vết thương tích ngoài da rất hay xảy ra. Đó có thể là chỉ là những vết trầy xước do xoạc, ngã, do va chạm với đối thủ… Với những vết thương nhỏ, nhẹ này chỉ cần dùng băng gạc xứ trí là cầu thủ có thể tiếp tục thi đấu.

Nhưng có những trường hợp vết thương là những vết cắt rất sâu và nguy hiểm do đinh giầy gây ra. Những vết cắt sâu sẽ khiến cầu thủ mất rất nhiều máu. Khi xuất hiện những thương tích da, cần phải sơ cứu ngay nhằm tránh bị mất máu cũng như nhiễm trùng.

Các chấn thương nhẹ chỉ cần xịt thuốc giảm đau là các cầu thủ có thể tiếp tục thi đấu

Các chấn thương nhẹ chỉ cần xịt thuốc giảm đau là các cầu thủ có thể tiếp tục thi đấu

2. Bong gân

Bong gân là một trong những chấn thương phổ biển nhất khi chơi bóng. Bong gân thường xảy ra khi cầu thủ thực hiện những pha chạy đổi hướng đột ngột hoặc những pha xoay người.

Với những trường hợp cầu thủ bị bong gân ở mức độ nhẹ, nhân viên y tế sẽ dùng thuốc xịt giảm đau để cải thiện tình trạng đau nhức và gần như ngay lập tức cầu thủ có thể tiếp tục thi đấu.

Nhưng sau khi kết thúc trận đấu, cầu thủ cần nghỉ ngơi, chườm đá hoặc cuốn băng y tế. Một số trường hợp bong gân có thể khiến cầu thủ phải nghỉ thi đấu khoảng 4 đến 6 tuần tùy theo mức độ. Khi đó, cầu thủ bị bong gân có thể áp dụng những bài tập vật lý trị liệu để có thể trở lại thi đấu sớm hơn.

3. Căng cơ

Tình trạng căng cơ xảy ra khi một thớ cơ bị kéo quá xa về một hướng, hoặc khi cơ bị buộc phải vận động khi nó vẫn ở trạng thái chưa sẵn sàng (bị cứng). Thông thường, cơ đùi, háng, bắp chân thường là những bộ phận dễ bị căng cơ.

Để giảm tình trạng căng cơ, các cầu thủ phải khởi động kỹ trước khi thi đấu và tập luyện, giúp cơ thể dẻo dai, máu lưu thông đến các nhóm cơ, làm mềm cơ trước khi thi đấu.

Ngoài ra, việc lựa chọn những đôi giày có đinh phù hợp với mặt sân cũng làm giảm nguy cơ bị căng cơ. Khi dính chấn thương này, cầu thủ cần nghỉ ngơi, chườm đá và băng bó chỗ đau.

Những pha va chạm trên sân cỏ gây ra nhiều chấn thương nguy hiểm cho các cầu thủ. Ảnh minh họa

Những pha va chạm trên sân cỏ gây ra nhiều chấn thương nguy hiểm cho các cầu thủ. Ảnh minh họa

4. Chấn thương dây chằng

Việc phải vận động mạnh khi thi đấu bóng đá sẽ làm đầu gối dễ bị chấn thương với các tổn thương như giãn hoặc đứt dây chằng. Ở đầu gối có các dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau, dây chằng bên... Khi bị đứt hoặc giãn dây chằng này sẽ làm cầu thủ rất đau, ảnh hưởng đến việc thi đấu.

Khi bị chấn thương dây chằng ở mức độ nhẹ sẽ được chườm đá lạnh, xịt thuốc giảm đau để tiếp tục trận đấu. Sau thi đấu, cầu thủ sẽ được điều trị để phục hồi. Với những tổn thương phức tạp và kéo dài có thể phải dùng cả phương pháp nội khoa và phẫu thuật để điều trị mới khỏi được.

5. Gãy xương

Đây là một trong những chấn thương rất nghiêm trọng. Gãy xương có thể xảy ra khi cầu thủ va chạm với nhau trên sân hoặc khi cầu thủ tiếp đất rất mạnh.

Gãy xương bàn chân, ống chân, xương sườn, xương bàn tay là những chấn thương phổ biển trong bóng đá. Đôi khi xảy ra những ca gãy xương hàm. Những ca gãy xương thường rất khó phòng tránh. Chấn thương xương thường rất khó lành nếu không phẫu thuật.

TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam

TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam

Chính vì vậy, bác sĩ Kha khuyến cáo, chấn thương của các cầu thủ cần có sự can thiệp chuyên sâu của các bác sĩ y học thể thao trong trường hợp nặng, tránh xử trí theo chủ quan hoặc theo chủ nghĩa kinh nghiệm vì có thể làm chấn thương trở nên trầm trọng hơn hoặc sẽ trở thành mạn tính khó điều trị, khó phục hồi, làm giảm khả năng và thời gian chơi thể thao của vận động viên.

Các biện pháp phòng tránh chấn thương thể thao gồm: 

- Trang bị bảo hộ, bảo vệ đầy đủ: Chọn giầy, dụng cụ thể thao thích hợp cho từng môn chơi. Luôn mang băng cổ tay, gối, cổ chân, băng giảm chấn…bảo vệ cơ thể. 

- Cho cơ thể có thời gian để thích ứng:  Đừng vội vã tập luyện, thi đấu cường độ cao, mà hãy từ từ và đều đặn tăng dần ngưỡng vận động cơ thể. 

- Chấp nhận giới hạn của cơ thể: chúng ta có thể không còn phong độ như hồi tuổi đôi mươi nữa. Hãy điều chỉnh kỹ thuật và chiến thuật chơi thể thao phù hợp với sức mình. 

- Chơi “đúng kiểu, vừa sức”: Ở mỗi độ tuổi, sức khỏe ta thay đổi, ta nên chọn môn thể thao phù hợp, kiểu chơi vừa sức với mình, tránh quá tải hay gãy xương do mệt. 

- Lắng nghe và thấu hiểu cơ thể mình:  Khi tập luyện thể thao, nếu thấy mệt, phong độ thay đổi, hay một chỗ nào đó trên cơ thể bị đau, cần phải cảm nhận ngay và giúp cơ thể mình nghỉ ngơi. 

 - Gặp bác sĩ chuyên khoa ngay khi có vấn đề: Khi gặp chấn thương hay trục trặc sức khỏe trong quá trình tập luyện thể thao, nên đến gặp ngay bác sĩ chuyên khoa y học thể thao để được tư vấn và chữa trị sớm, đúng cách.

L.Minh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính