Tại Hội thảo về Dân số và Phát triển do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức ngày 24/12, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng chưa có hệ thống giải pháp chủ động thích ứng.
Người cao tuổi Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. Trên 70% người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.
Tỷ lệ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, sản xuất khó khăn do thiên tai, dịch họa dẫn đến thu nhập của người nông dân nói chung, người cao tuổi nói riêng còn thấp.
Có khoảng 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân.
Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông.
Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với người cao tuổi. Bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.
Hơn nữa, đời sống vật chất của người cao tuổi Việt Nam còn nhiều khó khăn, do thế hệ người cao tuổi hiện nay được sinh trưởng trong thời kỳ chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nên hầu hết không có điều kiện bảo vệ sức khỏe, tích lũy vật chất.
Có khoảng 18% người cao tuổi sống trong hộ nghèo, gần 10% sống trong nhà tạm, tuổi càng cao nghèo càng cao.
Điều đáng nói nữa là, mặc dù tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng cao (73,5 tuổi), nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm.
Gánh nặng bệnh tật kép, thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.
Tốc độ già hóa dân số nhanh nên gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Cụ thể như hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh.
Mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ.
Môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi chưa được quan tâm xây dựng và phát triển theo định hướng già hóa khỏe mạnh.
Khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận người cao tuổi còn khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn này, nhiều chính sách về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã được ban hành và triển khai thực hiện với mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lực Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Nhân Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm nay với chủ đề "Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững", tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đơn vị trong toàn ngành bám sát chủ đề của Tháng hành động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các nội dung, giải pháp về công tác Dân số và Phát triển.
An AnBạn đang xem bài viết Cụ bà ở Việt Nam sống cô đơn nhiều gấp hơn 5 lần so với cụ ông tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].