Theo Technogym, nước dừa được ca ngợi là thức uống thần kỳ mà nhiều người nổi tiếng, vận động viên chuyên nghiệp và cộng đồng tập thể dục ưa chuộng.
Nước dừa được cho là có thể hỗ trợ giảm cân, làm đẹp da, chữa chứng nôn nao, hạ huyết áp, do đó được coi là thức uống phục hồi hoàn hảo sau khi chơi thể thao và tập thể dục.
Có ý kiến cho rằng nước dừa là thức uống thể thao do mẹ thiên nhiên tạo ra, là cách bù nước ít calo và mang lại sự sảng khoái sau khi kết thúc một buổi tập.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều bất đồng xoay quanh việc có nên dùng nước dừa thay thế cho nước uống thể thao (sport drink). Hãy cùng Gia Đình Mới làm rõ vấn đề này.
Nước dừa có thể thay thế nước uống thể thao truyền thống không?
Theo Precision Fuel & Hydration, các sản phẩm làm từ nước dừa không thể thay thế cho nước uống thể thao thông thường.
Lý do rất đơn giản, đó là vì nó không giúp bù lại tất cả những gì bạn đã mất đi cùng mồ hôi.
Mồ hôi được hút từ dịch ngoại bào (ECF) trong cơ thể, chứa chủ yếu là nước và natri, cùng với chỉ một lượng nhỏ kali, canxi và magiê.
Khi đổ mồ hôi nhiều, việc bù natri sẽ giúp duy trì ECF hoặc ít nhất là giảm tác động của việc hạ nồng độ natri trong ECF. Đây là chức năng chính của nước uống thể thao. Natri cũng là thành phần chính trong các loại nước uống thể thao.
Nước dừa có chứa gì?
Ngược lại, nước dừa có hàm lượng kali cực cao nhưng lại rất ít natri (xem bảng dưới). Nước dừa có thành phần giống với dịch nội bào (ICF) trong cơ thể hơn là dịch ngoại bào (ECF).
Dịch ngoại bào (ECF) | Dịch nội bào (ICF) | Mồ hôi | Nước dừa | Nước uống thể thao thông thường | |
Natri | ~3400mg/l | ~275mg/l | ~200-2000mg/l | ~150mg/l | 250-1500mg/l |
Kali | ~115mg/l | ~3200mg/l | ~100-250mg/l | ~2300mg/l | 125-300mg/l |
Có rất ít natri trong nước dừa.
Vì vậy, nếu bạn chỉ uống nước dừa để giải khát thì không sao cả. Trên thực tế, kali có thể giúp hạ huyết áp và hỗ trợ bù nước trong tế bào, do đó việc nạp một lượng kali hợp lý sẽ hữu ích cho việc phục hồi sau khi bị mất nước nhẹ không do tập luyện.
Nhưng nếu bạn muốn bù nước cho cơ thể khi đổ mồ hôi nhiều và thiếu hụt nhiều natri, thì nước dừa sẽ không đáp ứng được.
Nhìn chung, nếu bạn chỉ tập thể dục dưới 60 phút thì nước dừa có thể là một lựa chọn tốt để bổ sung nước, theo Technogym.
Tuy nhiên, đối với những bài tập đòi hỏi nhiều sức lực và đổ nhiều mồ hôi, nước uống thể thao có thể là lựa chọn tốt hơn nước dừa vì nó giúp bổ sung chất điện giải và carbohydrate hiệu quả hơn.
Nguy hiểm khi uống quá nhiều nước dừa
Tiến sĩ, bác sĩ Raj Jutley, một trong những nhà đồng sáng lập Precision Fuel & Hydration cảnh báo một vấ đề tiềm ẩn khi uống quá nhiều nước dừa.
Theo đó, nếu tiêu thụ quá nhiều, kali trong nước dừa có thể gây ra tình trạng tăng kali máu (nồng độ kali trong máu tăng cao bất thường), dẫn đến rối loạn nhịp tim.
Theo một nghiên cứu công bố năm 2014, một vận động viên quần vợt nam khỏe mạnh đã phải nhập viện 10 ngày vì tăng kali máu sau khi anh ta uống 8 chai nước dừa nhỏ 310ml trong một trận đấu, tương đương 5,5 gam kali, vượt lượng khuyến nghị là khoảng 4,7 gam/ngày. Tất nhiên, ví dụ này là một trường hợp nghiêm trọng, nhưng cũng không phải sự cố cá biệt.
Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là bạn nên từ bỏ nước dừa. Trừ khi bạn uống một lượng rất lớn, nếu không nước dừa sẽ không gây hại gì cho sức khỏe của bạn.
Tuy nhiên vì ít natri và giàu kali nên nước dừa không phải thức uống lý tưởng để thay thế cho nước uống thể thao khi bạn đổ nhiều mồ hôi.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Có nên uống nước dừa khi chạy bộ, đạp xe, chơi thể thao? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].