1. Lợi ích chung của việc đi xe đạp
Theo Trường Y tế công của Đại học Harvard (Harvard T.H. Chan School of Public Health), những lợi ích của đi xe đạp gồm cải thiện sức khỏe tim mạch, tăng cường cơ bắp, tăng cường khả năng vận động và phối hợp, giảm mỡ cơ thể.
Bên cạnh đó, cũng giống như các hình thức tập thể dục khác, đi xe đạp cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần bằng cách giảm mức độ căng thẳng và kích thích hormone endorphin tạo cảm giác dễ chịu.
Đi xe đạp là hoạt động linh hoạt, phù hợp mọi độ tuổi. Bạn có thể đạp xe một mình hoặc với một nhóm, đạp xe trong nhà với xe đạp tập thể dục cố định hoặc đạp xe ngoài trời để hòa mình với thiên nhiên.
Bài tập này có tác động thấp, giảm căng thẳng cho hông, đầu gối, bàn chân và phù hợp với những người không thực hiện được các bài tập tác động cao như chạy bộ.
Tham gia giao thông bằng xe đạp, ví dụ đạp xe đi làm, sẽ giúp bạn kết hợp tập thể dục vào cuộc sống hàng ngày, tiết kiệm chi phí so với lái xe cá nhân hay sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm tắc đường và ô nhiễm không khí/tiếng ồn.
2. Lợi ích sức khỏe của việc đi xe đạp
Nhiều nghiên cứu về lợi ích sức khỏe của việc đi xe đạp tập trung vào việc "đi lại một cách chủ động" (active commuting), bao gồm đi bộ hoặc đạp xe đi làm hay đi lại thay vì lái xe (ô tô, xe máy, xe điện).
Những nghiên cứu này phát hiện ra rằng đạp xe giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và tử vong sớm, đồng thời có thể ngăn ngừa tăng cân hoặc béo phì.
Lưu ý: Hầu hết các nghiên cứu đều là nghiên cứu quan sát (observational) hoặc nghiên cứu cắt ngang (cross-sectional), sử dụng các khảo sát tự báo cáo về tần suất đạp xe và có thể có những sai lệch.
Dưới đây là những tác động tích cực của việc đi xe đạp với sức khỏe, theo Trường Y tế công của Đại học Harvard.
2.1. Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Theo một phân tích tổng hợp, những người tham gia active commuting (đi lại một cách chủ động) như đạp xe hoặc đi bộ đi làm có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn đáng kể.
Nghiên cứu của Thụy Điển theo dõi hơn 23.000 đàn ông và phụ nữ trong 10 năm đã phát hiện ra rằng những người đi làm bằng xe đạp giảm nguy cơ mắc một số yếu tố nguy cơ tim mạch (béo phì, tăng huyết áp, tăng mơ máu, tăng đường huyết) so với những người lái xe hoặc ngồi phương tiện công cộng.
Một nghiên cứu khác theo dõi hơn 53.700 đàn ông và phụ nữ Đan Mạch độ tuổi từ 50 đến 65 trong 20 năm quan sát tác động của việc đạp xe đối với sức khỏe tim mạch. Kết quả cho thấy, những người thay đổi từ không đạp xe chuyển sang đạp xe có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn 26% so với những người chưa bao giờ đạp xe.
Nghiên cứu quan sát ở 2364 thanh niên (độ tuổi 18-30) cho thấy nam giới đi lại một cách chủ động đã giảm nguy cơ béo phì, tăng mỡ máu, huyết áp và insulin. Trong khi đó, mối liên hệ ở phụ nữ không mạnh mẽ bằng, có thể do tổng lượng đi lại chủ động thấp hơn.
2.2. Giảm nguy cơ thừa cân, béo phì
Mối liên quan giữa việc đạp xe và thay đổi cân nặng đã được nghiên cứu trong một nhóm gồm hơn 18.000 phụ nữ tiền mãn kinh từ Nghiên cứu Sức khỏe Y tá II.
Sau 16 năm, kết quả cho thấy mức tăng cân ít hơn đáng kể ở những người đi bộ nhanh hoặc đạp xe. Những người không đạp xe khi bắt đầu nghiên cứu nhưng tăng thời lượng đạp xe ít nhất 5 phút mỗi ngày sẽ tăng cân ít hơn những người không bao giờ đạp xe.
Nghiên cứu quan sát 72.000 nam giới và 82.000 phụ nữ cho thấy việc đi lại một cách chủ động (active commuting) có liên quan đáng kể đến chỉ số khối cơ thể (BMI) và tỷ lệ phần trăm mỡ cơ thể thấp hơn so với những người lái xe hoặc đi phương tiện giao thông công cộng.
2.3. Tăng cường sức khỏe tinh thần
Các nghiên cứu ở người lớn tuổi đã chỉ ra rằng đi xe đạp có thể nâng cao cơ hội giao tiếp xã hội, tận hưởng hoạt động ngoài trời, tăng cường sự tự tin và lấy lại cảm giác vui vẻ, tự do thời thơ ấu.
Ngoài ra các lợi ích như tăng cường năng lượng, cải thiện tâm trạng, cải thiện giấc ngủ cũng được ghi nhận.
Trong một nghiên cứu khác, người ta nhận thấy mức giảm căng thẳng ở những người trẻ tuổi và người lớn tuổi đạp xe đi làm có kết quả tốt hơn so với những người lái xe hoặc đi lại bằng các phương tiện khác.
2.4. Giảm tỷ lệ tử vong
Trong một nghiên cứu quan sát trên 7.459 người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường, đạp xe có liên quan tới việc giảm 35% nguy cơ tử vong do do bất kỳ nguyên nhân nào so với những người không đi xe đạp, và giảm 24% so với những người lái xe máy.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý rằng, phát hiện của họ tương tự với các nghiên cứu ở những người khỏe mạnh và những người mắc các loại bệnh mãn tính khác.
Một phân tích tổng hợp trên 17 nghiên cứu xem xét mối liên hệ giữa việc đi bộ hoặc đạp xe đi làm với tỷ lệ tử vọng cho thấy, ở những người đi xe đạp, nguy cơ tử vong do bất kỳ nguyên nhân nào giảm 21% và nguy cơ tử vong do tim mạch giảm 33%.
Tài liệu tham khảo:
- Thompson WR. Worldwide survey of fitness trends for 2022. ACSM’s Health & Fitness Journal. 2022;26(1):11-20.
- Grøntved A, Koivula RW, Johansson I, Wennberg P, Østergaard L, Hallmans G, Renström F, Franks PW. Bicycling to work and primordial prevention of cardiovascular risk: a cohort study among Swedish men and women. Journal of the American Heart Association. 2016;5(11):e004413.
- Nehme EK, Pérez A, Ranjit N, Amick BC, Kohl HW. Sociodemographic factors, population density, and bicycling for transportation in the United States. Journal of physical activity and health. 2016;13(1):36-43.
- Burtscher J, Millet GP, Burtscher M. Association of Cycling With All-Cause and Cardiovascular Disease Mortality Among Persons With Diabetes. JAMA Internal Medicine. 2021;181(12):1678-.
- Dinu M, Pagliai G, Macchi C, Sofi F. Active commuting and multiple health outcomes: a systematic review and meta-analysis. Sports medicine. 2019;49(3):437-52.
- Blond K, Jensen MK, Rasmussen MG, Overvad K, Tjønneland A, Østergaard L, Grøntved A. Prospective study of bicycling and risk of coronary heart disease in Danish men and women. Circulation. 2016;134(18):1409-11.
- Gordon-Larsen P, Boone-Heinonen J, Sidney S, Sternfeld B, Jacobs DR, Lewis CE. Active commuting and cardiovascular disease risk: the CARDIA study. Archives of internal medicine. 2009;169(13):1216-23.
- Lusk AC, Mekary RA, Feskanich D, Willett WC. Bicycle riding, walking, and weight gain in premenopausal women. Archives of internal medicine. 2010;170(12):1050-6.
- Flint E, Cummins S. Active commuting and obesity in mid-life: cross-sectional, observational evidence from UK Biobank. The lancet Diabetes & endocrinology. 2016;4(5):420-35.
- Zander A, Passmore E, Mason C, Rissel C. Joy, exercise, enjoyment, getting out: a qualitative study of older people’s experience of cycling in Sydney, Australia. Journal of environmental and public health. 2013;2013.
- Leyland LA, Spencer B, Beale N, Jones T, Van Reekum CM. The effect of cycling on cognitive function and well-being in older adults. PloS one. 2019;14(2):e0211779.
- Avila-Palencia I, de Nazelle A, Cole-Hunter T, Donaire-Gonzalez D, Jerrett M, Rodriguez DA, Nieuwenhuijsen MJ. The relationship between bicycle commuting and perceived stress: a cross-sectional study. BMJ open. 2017;7(6):e013542.
- Ried-Larsen M, Rasmussen MG, Blond K, Overvad TF, Overvad K, Steindorf K, Katzke V, Andersen JL, Petersen KE, Aune D, Tsilidis KK. Association of cycling with all-cause and cardiovascular disease mortality among persons with diabetes: the European Prospective Investigation Into Cancer and Nutrition (EPIC) Study. JAMA internal medicine. 2021;181(9):1196-205.
- Dutheil F, Pélangeon S, Duclos M, Vorilhon P, Mermillod M, Baker JS, Pereira B, Navel V. Protective effect on mortality of active commuting to work: a systematic review and meta-analysis. Sports Medicine. 2020;50(12):2237-50.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Đại học Harvard: 4 lợi ích sức khỏe của việc đi xe đạp tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].