Con đường đất vòng vèo dưới chân cầu Long Biên- Hà Nội lầy lội bùn sau mấy đợt mưa như tách rời cuộc sống đô thị văn minh trên kia.
'Xóm chài' thuộc Phúc Xá, Long Biên nơi cư trú của 27 hộ dân là một dãy những ngôi nhà tạm bợ được dựng nên bởi các hộ gia đình đến từ tứ xứ.
Gọi là nhà cho thuận miệng nhưng thực ra đó chỉ là những chiếc bè nổi có mái che, vài tấm ván ghép vào nhau lỏng lẻo, được neo giữ với đất liền bằng đoạn dây ngắn buộc dưới gốc cây.
Mùa nắng không đủ trú, mùa mưa không đủ che, chung quanh căn chòi, người ta vá chi chít nào là vải bạt, các tấm pa-nô, áp-phích quảng cáo hoặc quần áo rách.
Một tấm ván bằng gỗ nối với đất liền là con đường duy nhất để vào nhà. Người dân ở đây, từ người lớn đến trẻ nhỏ, nếu muốn không bị ngã xuống dòng nước đang đóng váng, đen ngòm vì bẩn thỉu ở quanh nhà kia thì đều phải học cho mình cách qua cầu thuần thục nhất.
Căn chòi sơ sài, nổi chòng chành y như cuộc đời của những hộ dân ở đây vậy.
Bé Nga là con gái thứ hai trong một gia đình có tới 3 thế hệ sinh sống ở làng chài. Cô bé 7 tuổi còn có một người chị học lớp 5 và hai đứa em chưa đến tuổi đến trường nữa.
Bố mẹ em đi làm quần quật cả ngày để kiếm sống cho cả gia đình, gửi gắm 4 đứa con cho bà Mai- người bà 60 tuổi chăm sóc.
Phải gần 8h tối rồi nhưng bà Mai và 4 đứa trẻ mới ăn cơm tối. Mâm cơm chẳng còn gì ngoài vài cọng rau, quả cà muối và phần cơm cho hai vợ chồng đi làm về muộn.
Bố mẹ bé Nga đều hành nghề bán hàng rong ở chợ, thường xuyên đi sớm về khuya, không thể có nhiều thời gian dành cho các con mình được.
Khi được hỏi về ước mơ trong dịp trung thu này, mắt cô bé 7 tuổi ánh lên thứ niềm vui trong trẻo: ‘Trung thu này con chỉ mong bố mẹ ở nhà chơi với con thôi. Nhưng bố mẹ phải đi làm suốt tới tận đêm để có tiền cho chị em con ăn học, con thương bố mẹ lắm'.
Cô bé ngây thơ khoe một cách đầy tự hào: 'Con sẽ học thật giỏi, sau này lớn lên kiếm tiền xây nhà cho bố mẹ với bà với chị em con cùng ở chung. Nhưng mà con sẽ không học đại học đâu, mẹ bảo con học hết cấp Ba, có bằng rồi đi làm thôi.’
Không có bàn học, hai chị em Nga phải chia nhau nằm mỗi góc trong căn chòi chưa đầy 20m2 và lựa xem chỗ nào đủ ánh sáng nhất để viết chữ.
Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng chị em Nga, ai cũng học giỏi. Hai bé đang theo học tại một trường tiểu học gần nhà, đều là cán bộ lớp và nhiều năm liền đạt giải học sinh giỏi cấp trường và cấp thành phố.
Thứ âm thanh tuyệt vời, trong trẻo ở khu này vào buổi tối có lẽ là tiếng đọc bài lảnh lót văng vẳng của hai chị em.
Bà Mai chia sẻ: ‘Bố mẹ nó đi làm cả ngày, mình tôi ở nhà chăm bẵm 4 đứa trẻ. Được cái mấy đứa cháu, đứa nào cũng ngoan, biết vâng lời nên công việc có đỡ đần thêm chút. Nhà tôi tuy có hoàn cảnh, nhưng vẫn ráng cho mấy đứa cháu nó học hành đến nơi đến chốn, sau này có có đường mà đi ra ngoài xã hội'.
Bà tâm niệm, không thể để cho chúng nó rồi lại sống cuộc sống của tôi, của bố mẹ nó bây giờ được. Có ai giàu ba họ, có ai khó ba đời được đâu?
'Đời tôi già rồi, chịu khổ tí cũng được. Chỉ mong bọn trẻ nó chịu khó đi làm, cất được căn nhà. Chứ mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đến, gió thốc, căn chòi chòng chành, cứ sợ bị lật xuống. Bọn trẻ sinh ra, chưa được học cái chữ nhưng nhất thiết phải biết học bơi trước đã, ngã xuống nước còn biết tự ngoi mà trèo lên', bà nói trong vẻ ngậm ngùi.
Bà Hồng, tổ phó tổ dân cư cho biết, nhờ có sự quan tâm của chính quyền, các đội sinh viên tình nguyện nên trung thu bọn trẻ con làng chài được dịp tụ tập, vui đùa.
Chỉ là mấy gói bánh nhỏ, vài chiếc đèn ông sao các bạn sinh viên mang đến, cũng đủ để cho các cháu có cái Tết trung thu, để tuổi thơ các cháu đỡ thiệt thòi được phần nào.
Những căn chòi nơi xóm chài ven sông Hồng được nối sát nhau bằng những sợi dây thừng. Có lẽ, chỉ có cách sát lại gần nhau mới tránh cảnh lật thuyền, tốc mái khi giông bão về.
Phía xa, cầu Long Biên lịch sử vẫn lặng lẽ thời gian trôi vào vô tận. Những ước mơ nhỏ bé, bình dị của bé Nga cũng như bao đứa trẻ nơi đây rồi sẽ trôi về miền nào, không ai biết...
Mai ThươngBạn đang xem bài viết Có một Tết trung thu khác của bé Nga 'xóm chài' tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].