Liên quan tới sự việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 chỉ đạo học sinh trong lớp tát nam sinh Hoàng Long N 231 cái khiến học sinh này phải nhập viện điều trị, luật sư Đặng Văn Cường – trưởng đoàn Luật sư Chính pháp (Hà Nội) bất bình: Nữ giáo viên này đang trừng trị học sinh chứ không phải giáo dục học sinh.
Trong trường hợp này, ngoài việc làm đơn đề nghị với BGH trường THCS Duy Ninh, gia đình học sinh có thể làm đơn trình báo với công an về nữ giáo viên có hành vi cố ý gây thương tích và làm nhục người khác.
Luật sư Cường cũng cho rằng, nữ giáo viên này sẽ đối diện với 2 hình thức chế tài: xem xét, kỷ luật theo Luật công chức, viên chức.
Thứ 2, trong trường hợp học sinh Hoàng Long N bị tỷ lệ thương tích từ 11% trở lên, sẽ bị khởi tố hình sự vì tội cố ý gây thương tích. Nếu tỷ lệ thương tích dưới mức 11%, sẽ vẫn có khả năng bị xem xét hành vi làm nhục người khác. Pháp luật không cho phép giáo viên trực tiếp đánh hoặc chỉ đạo người khác đánh học sinh.
Hành vi của nữ giáo viên như vậy đã vi phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của học sinh.
Luật sư Cường nêu quan điểm: Giáo viên đến trường để truyền dạy kiến thức cho học sinh. Mọi phương pháp, cách thức của giáo viên đều phải nhằm mục đích giáo dục, uốn nắn để các em trưởng thành. Giáo viên không bao giờ được phép tự đề ra những hình phạt, hình thức kỷ luật mang tính bạo lực, xâm phạm thân thể, danh dự, nhân phẩm của học sinh.
Việc chỉ đạo học sinh trong lớp tát 1 học sinh tới 231 cái, thực sự là một hình phạt khủng khiếp, sẽ khiến tất cả học sinh trong lớp 6.2 và bản thân nam học sinh bị sợ hãi, ám ảnh về cách giáo dục của giáo viên. Các em đến trường để học tập, chỉ trao đổi kiến thức chứ không phải để chứng kiến và hứng chịu những hành vi bạo lực như thế.
Trong khi cộng đồng, các nhà chức trách, các cơ quan ban ngành đoàn thể các cấp đều đang ngăn chặn những hành vi bạo lực, thì nữ giáo viên – một đại diện của ngành giáo dục lại lấy lý do “nóng tính”, rồi “áp lực thi đua” để “Gieo mầm bạo lực” cho những đứa trẻ mới 11 tuổi. Điều đó thực sự nguy hiểm.
Do đó, với trường hợp này, đề nghị nhà trường, ngành giáo dục huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cần xem xét nghiêm túc, xử lý nghiêm khắc để kịp thời trấn an phụ huynh học sinh và chính những học sinh lớp 6.2 nói riêng, trường THCS Duy Ninh nói chung.
Trước đó, như đã đưa tin, vào chiều ngày 19/11, học sinh Hoàng Long N. (11 tuổi) hiện đang học lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh nói tục và bị các bạn báo cáo với cô Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977), là giáo viên chủ nhiệm của lớp.
Lời kể của học sinh Hoàng Long N. cho thấy, cô giáo Thủy đã đưa ra hình thức bắt các bạn trong lớp tát liên tiếp vào má của em N., mỗi bạn 10 cái. Nếu học sinh nào tát nhẹ thì cô giáo bắt tát lại. Vì thế các em đều dồn sức tát N. Khi đau quá, N. cựa quậy thì cô quát bắt đứng im. Lúc đau quá, N. có "Em ghét cô" thì bị cô tát thêm một cái nữa.
Sau khi kết thúc giờ học trở về nhà, mẹ của N. là chị Trần Thị Chước (trú tại thôn Phú Vinh, xã Duy Ninh) thấy con mình mặt bị thâm tím sưng và không nói lên lời, nên đã đưa con đến khám tại viện Đa khoa Dinh Mười và nhập viện điều trị.
Việt LinhBạn đang xem bài viết Cô giáo bắt cả lớp tát học sinh 231 cái đối diện với những hình thức xử lý nào? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].