Cô đỡ thôn bản kể chuyện một ông chồng đến nhà nhờ triệt sản cho vợ vì đã có 6 đứa con

Khi tuyên truyền triệt sản cho một gia đình đông con, cô đỡ thôn bản suýt bị “người chồng ném bát cơm vào mặt và cấm đến nhà”. Nhưng sau 3 năm, điều bất ngờ đã xảy ra...

Cô đỡ thôn bản trở thành cánh tay nối dài của ngành y tế (Ảnh: Tư liệu)

Cô đỡ thôn bản trở thành cánh tay nối dài của ngành y tế (Ảnh: Tư liệu)

Những cái chết đau lòng ở những vùng núi xa xôi

Hơn 25 năm trước, những người dân tộc thuộc thôn 6, xã Quảng Khê (huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông) gần như không được tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là những dịch vụ liên quan đến chăm sóc sinh sản, trẻ sơ sinh. Sản phụ ở thôn ngày ấy, đến ngày đẻ chỉ trông vào bà mụ, bà lang còn trẻ con chỉ được cắt rốn bằng nứa.

Có những lúc, sản phụ bị tai biến mà chẳng ai có thể cứu chữa hay trẻ con bị tử vong đau lòng vì uốn ván cuống rốn. Ngày đó, toàn bộ người dân xã Quảng Khê chẳng biết đến sót rau, tai biến thai kỳ, đờ tử cung... là gì.

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, chị H’Ộch Bon Kalayu – Cô đỡ thôn bản thôn 6 (dân tộc Mạ, xã Quảng Khê, huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông) kể: “Ngay ở nhà tôi có một người cô, đẻ con được sau 6 tháng thì chết, cô ấy bị chảy máu thối từ bên trong nhưng ngày đó có ai biết bệnh gì mà chữa’.

Điều đáng nói, không chỉ 25 năm trước, mà cả bây giờ, tình trạng thiếu hiểu biết về y khoa, ít được tiếp cận y tế không chỉ xảy ra ở riêng mình nhà chị H’Ộch hay xã Quảng Khê mà nó còn là tình trạng chung, phổ biến ở khắp các khu vực vùng sâu vùng xa, ở những người dân tộc thiểu số.

Từ việc hạn chế cơ sở vật chất, địa hình đặc thù hiểm trở, cho tới văn hóa, suy nghĩ “hủ tục” của nhiều dân tộc trở thành rào cản, đe dọa tính mạng có nhiều sản phụ, thai nhi miền núi.

Chị Thào Thị Se - cô đỡ thôn bản người H'Mông nhiều lần cứu được các sản phụ, trẻ sơ sinh nhờ kiên thức được học

Chị Thào Thị Se - cô đỡ thôn bản người H'Mông nhiều lần cứu được các sản phụ, trẻ sơ sinh nhờ kiên thức được học

Như với trường hợp sản phụ mà chị Thào Thị Se (SN 1988, dân tộc H’Mông, thôn Chúng Pả B, xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) – một cô đỡ thôn bản chia sẻ: “Nhớ những lần đầu tiên em đi đỡ đẻ, có một chị sinh em bé nhưng bị ngạt mãi không khóc. Mọi người trong nhà cứ bảo đập bát đi, vì dân tộc em có quan niệm, đập bát để đứa trẻ khóc. Mọi người cứ đập bát, em bé thì cứ tím lại vì không khóc được”.

Chính vì vậy hơn 25 năm trước, tỉ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam vào khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống. Đặc biệt, tử vong mẹ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa con cao hơn rất nhiều. Có thời điểm, theo kết quả nghiên cứu giai đoạn 1990-1995, tại các tỉnh duyên hải miền trung, tỉ số tử vong mẹ có thể lên đến 400 thậm chí 900/100.000 trẻ đẻ sống.

Cùng với đó, tỉ lệ chết mẹ so giữa khu vực miền núi với đồng bằng, dân tộc thiểu số với người kinh cao hơn gấp 4 lần. Quá nửa số trẻ dưới 5 tuổi ở khu vực này không được chăm sóc toàn diện, bị ảnh hưởng bởi bệnh tật dẫn tới bị tử vong.

Cô đỡ thôn bản – cánh tay nối dài của ngành y tế

Đứng trước thực trạng đáng báo động, đau lòng đó, mô hình Cô đỡ thôn bản ra đời nhằm tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn đến các thôn bản.

Những phụ nữ trẻ là dân tộc thiểu số, trình độ từ lớp 5, biết đọc, biết viết tiếng Việt được lựa chọn đào tạo các kiến thức sức khỏe sinh sản, xử lý các tai biến sản khoa, sơ sinh. Từ đó, các cô đỡ tỏa rộng kiến thức y khoa đến từng vùng miền Tổ quốc, nhất là khu vực còn nhiều khó khăn, văn hóa còn lạc hậu.

Nhờ chương trình đó, người dân tộc thiểu số không chỉ được chăm sóc sức khỏe tốt nhất mà còn nâng cao các kiến thức về bảo vệ sức khỏe sinh sản. Nhờ vậy, tỉ lệ tử vong mẹ trên số trẻ đẻ sống đã giảm rõ rệt, nhiều tai biến thai kỳ, sơ sinh được xử lý.

Như câu chuyện của chị Thào Thị Sẻ (dân tộc H’Mông, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) kể trên, khi đứa bé cứ tím dại vì ngạt khí, những người trong gia đình sản phụ chỉ biết đập bát trong bất lực thì cô thôn đỡ Sẻ dùng kiến thức được học tiến hành sơ cứu. Nhờ đó, đứa bé khóc được, giờ cũng đã gần 7 tuổi.

Những hình ảnh công việc được chia sẻ trong Hội nghị biểu dương những cô đỡ thôn bản tiêu biểu ngày 28/2

Những hình ảnh công việc được chia sẻ trong Hội nghị biểu dương những cô đỡ thôn bản tiêu biểu ngày 28/2

Hay như với chị H’Ộch Bon Kalayu – Cô đỡ thôn bản thôn 6 (dân tộc Mạ, xã Quảng Khê) từng thất bại trong chuyện tuyên truyền triệt sản cho một gia đình đông con, suýt bị “người chồng ném bát cơm vào mặt và cấm đến nhà”. Thì mới đây, “khoảng 3 năm trước, tự ông chồng đến nhờ mình giúp triệt sản cho vợ để kế hoạch vì nhà đã có 6 đứa con rồi”.

Chính nhờ những người cô đỡ nói tiếng Kinh còn chưa sõi đó, mỗi tháng cầm đồng trợ cấp nhỏ nhỏi chỉ vài trăm nghìn nhưng con số tử vong mẹ ở Việt Nam đã giảm xuống ở mức 58/100.000 trẻ đẻ sống (năm 2015). Tỉ suất trẻ dưới 5 tuổi tử vong đã giảm mạnh từ 58% xuống còn 14,5 % (1990-2016).

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS TS Nguyễn Viết Tiến nhìn nhận: “Cô đỡ thôn bản là giải pháp tạm thời nhưng hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa, tài chính cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Các cô đỡ thôn bản đang ngày đêm vượt mọi khó khăn,gian khổ đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, tích cực tham gia quản lý khám thai, tư vấn giáo dục sức khỏe, vận động phụ nữ khám thai và sinh con tại trạm y tế, phát hiện có nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời”.

Chiều 28/2, Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em - Bộ Y tế phối hợp cùng phái đoàn Liên minh Châu Âu tổ chức Hội nghị toàn quốc biểu dương Cô đỡ thôn bản tiêu biểu trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.

Cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương, có cùng văn hóa, phong tục tập quán, dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.

Với sự đóng góp không nhỏ của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe và giảm tỷ lệ tử vong của bà mẹ, trẻ sơ sinh ở các vùng sâu, vùng xa, các cô đỡ thôn bản được ví như cánh tay nối dài giữa cơ sở Y tế và người dân.

Cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số là một minh chứng của một mô hình phù hợp với nhu cầu thực tế tại các huyện vùng cao của tỉnh nghèo, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa.

Trước đó, sáng cùng ngày, ghi nhận vai trò quan trọng của các cô đỡ thôn bản, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã tiếp đại diện các cô đỡ thôn bản vào buổi sáng trong lễ báo công.

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính